Bắc Kạn: Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Ngành Tư pháp Bắc Kạn chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới" thông qua hoạt động TGPL lưu động

03/01/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bắc Kạn, là một tỉnh có nhiều địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hiện nay theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc, tỉnh có 50 xã thuộc diện khu vực III và 58 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II. Số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao.

 Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân còn nhiều hạn chế, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư vẫn diễn ra, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết triệt để; nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật ngày càng tăng, trong khi điều kiện tiếp cận với pháp luật và các dịch vụ pháp lý chưa nhiều.

Ngày 14 tháng 6 năm 2013, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-STP tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Bắc Kạn chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, với mục tiêu làm chuyển biến rõ nét các mặt công tác trên địa bàn tỉnh, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động; phục vụ tích cực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng nông thôn mới; góp phần bảo đảm thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, phòng ngừa, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm ở nông thôn; góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý đến vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, Trung tâm đã tích cực triển khai các hoạt động như: Tổ chức các đợt tập huấn cho thành viên các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại các xã của Trung tâm; cử luật sư là Cộng tác viên, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, dân sự. Đặc biệt, tham mưu tổ chức các đợt trợ giúp lưu động, với xã điểm đầu tiên là Chu Hương và Mỹ Phương của huyện Ba Bể. Đây là các xã thuộc địa bàn 30a, có nhiều thôn khó khăn, yêu cầu hàng năm phải triển khai nhiều đợt trợ giúp lưu động. Tiếp đó, Trung tâm xây dựng Kế hoạch số 148/KH - STP ngày 9/7/2012 của Sở Tư pháp tổ chức đợt tình nguyện trợ giúp pháp lý lưu động huyện Ba Bể với các hoạt động: Cấp phát tờ gấp tìm hiểu pháp luật các loại, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tư vấn giải đáp vướng mắc pháp luật, hòa giải... Bên cạnh đó, còn triển khai các hoạt động Đoàn: Thu gom rác thải, chăm sóc tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, Đài tưởng niệm, Bia tưởng niệm, các Di tích văn hoá trên địa bàn…Tặng quà cho gia đình chính sách có công với cách mạng. Việc triển khai hai địa bàn này theo đợt liên tục trong 2 ngày (01 điểm/buổi). Kết quả mỗi năm Trung tâm thực hiện trợ giúp lưu động 5 điểm/xã/năm, tư vấn cho 40 trường hợp có vướng mắc pháp luật liên quan đến các lĩnh vực: hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách. Từ những hoạt động trên đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền xã về hiệu quả của công tác trợ giúp pháp lý; đánh giá cao quan tâm của ngành tư pháp trong nỗ lực triển khai các hoạt động đến cơ sở đặc biệt là địa bàn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều người dân được tư vấn kịp thời, giúp giải tỏa vướng mắc, bức xúc và góp phần nâng cao nhận thức pháp luật nhiều người dân.

Trên cơ sở kết quả đạt được ở hai xã Chu Hương và Mỹ Phương, Trung tâm triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm ban hành Kế hoạch, lịch trình thực hiện các đợt lưu động gửi các xã theo từng huyện. Mỗi tháng triển khai đến 01 - 02 huyện, tập trung thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những nơi chưa từng được trợ giúp pháp lý lưu động. Với sự cố gắng nỗ lực, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đã triển khai tốt hoạt động trợ giúp lưu động theo yêu cầu đề ra. Cụ thể đã triển khai 280 đợt trợ giúp lưu động tại các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua đó, Trung tâm tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật (Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Giao thông đường bộ, chế độ chính sách, giải phóng mặt bằng…), cấp phát khoảng gần 30.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật các loại cho khoảng 10.000 lượt người dân. Tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật về các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, chế độ chính sách, hôn nhân gia đình… cho gần 2.000 trường hợp người dân có vướng mắc pháp luật. Hòa giải, kiến nghị nhiều trường hợp đề nghị.

Quá trình thực hiện, Trung tâm đã rút ra được kinh nghiệm là tiến hành khảo sát trước địa bàn dự kiến triển khai trợ giúp lưu động, tập trung những nơi người dân có nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp luật; Tranh thủ sự ủng hộ tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương…Bên cạnh đó còn phải kể đến sự tham gia có hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên là đoàn viên Chi đoàn, được đánh giá cao bởi sự kết hợp sáng tạo giữa hoạt động phong trào và hoạt động nghiệp vụ. Vừa phát huy vai trò đội ngũ cộng tác viên vừa là dịp nắm bắt, tiếp xúc với thực tế, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ trẻ.

Những kết quả đã đạt được của hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào “Ngành Tư pháp Bắc Kạn chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”,giảm thiểu các khiếu kiện vượt cấp, giữ vững đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tạo ra sự chuyển biến trong bộ mặt nông thôn, địa bàn vùng sâu vùng xa nơi tập trung nhiều người nghèo và dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hoàng Thu Chung -  Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn

 

Xem thêm »