Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn với đại đa số là người dân tộc thiểu số nghèo, dân trí thấp - là đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước, như vậy hoạt động trợ giúp pháp lý ở Điện Biên là nhu cầu bức thiết trong đời sống xã hội.Hoạt động này nhằm giúp người dân bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, góp phần ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên (Trung tâm) đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 1.284 vụ việc cho 1.300 người yêu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó: Tư vấn pháp luật là 1.186 vụ việc (bao gồm cả tưvấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động), Tham gia tố tụng 114 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 05 vụ việc. Đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý tại Điện Biên trong năm chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với 1.158 người, người nghèo: 116 người, người có công, người già, trẻ em, người tàn tật, và các đối tượng khác. Về lĩnh vực, năm qua Trung tâm đã thực hiện 1.284 vụ việc thuộc các lĩnh vực: Hình sự: 164 vụ việc, Dân sự: 92 vụ việc, Hôn nhân và gia đình, pháp luật về trẻ em: 152 vụ việc, Hành chính, khiếu nại: 32 vụ việc, Đất đai: 269 vụ việc, Lao động - việc làm: 03 vụ việc, pháp luật về ưu đãi: 418 vụ việc và 175 vụ việc thuộc các lĩnh vực khác.
Công tác trợ giúp pháp lý lưu động xuống cơ sở, năm 2013, thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp và UBND các xã để tổ chức trên 50 đợt trợ giúp pháp lý xuống 49 xã thuộc 04 huyện nghèo và trên 10 xã nghèo không thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua việc trực tiếp gặp gỡ người dân tại cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc pháp luật cho 1.066 trường hợp. Lồng ghép trong các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành thiết thực với nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, phát miễn phí từ 03 đến 05 loại tờ gấp pháp luật cho những người tham dự. Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, Trung tâm đã hướng dẫn cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả. Với mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các đối tượng chính sách, năm 2013 Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách ưu đãi, các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng được thụ hưởng, đồng thời tiếp thu các yêu cầu trợ giúp pháp lý để kiến nghị đến các cơ quan chức năng để giải quyết. Qua đó đã bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, năm 2013, Trung tâm đã tổ chức 04 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã và cán bộ chủ chốt các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc 04 huyện nghèo với 46 học viên/lớp. Thông qua tập huấn, Trung tâm đã trang bị những kiến thức văn bản pháp luật mới ban hành và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Để phát triển đội ngũ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý và nâng cao năng lực cho đội ngũ này, trong năm Trung tâm đã tổ chức 01 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý. Đồng thời, với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực xã hội vào công tác trợ giúp pháp lý, ngoài đội ngũ Cộng tác viên TGPL hiện có, Trung tâm đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Ban dân tộc để phát triển đội ngũ Cộng tác viên. Ngoài việc giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, Trung tâm còn giới thiệu đến các đại biểu về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục làm Cộng tác viên TGPL, giới thiệu các văn bản về chế độ, chính sách đối với Cộng tác viên khi thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cũng như trình tự, thủ tục lập hồ sơ vụ việc, chứng từ thanh toán đối với Cộng tác viên TGPL.
Nhờ phát huy tốt chương trình phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, các cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động giới thiệu, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý về trình tự, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Chính vì vậy, quyền và lợi ích của các bị can, bị cáo là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí được bảo đảm ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án qua đó chất lượng của vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ngày càng tăng. Năm 2013, Trung tâm đã thụ lý và cử Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 114 vụ việc tham gia tố tụng tại cấp huyện và cấp tỉnh (trong đó có nhiều vụ tham gia ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án). Thực hiện công tác phối hợp, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, người bị hại theo đề nghị của cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện trợ giúp pháp lý cho trên 30 đối tượng theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng Hình sự. Điểm mới của hoạt động tố tụng trong năm 2013 là đã bước đầu thực hiện các vụ án hành chính và dân sự đạt chất lượng.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện tại Trung tâm vẫn gặp những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, biên chế và chất lượng viên chức. Đến nay, Trung tâm và 05 Chi nhánh vẫn chưa có trụ sở độc lập, thuận tiện, biên chế của các Chi nhánh chưa được bảo đảm (mới có từ 01 đến 02 người/chi nhánh, chưa bố trí được Trợ giúp viên pháp lý tại Chi nhánh), việc đào tạo để tạo nguồn Trợ giúp viên pháp lý chậm (đến thời điểm hiện tại Trung tâm có 06 Trợ giúp viên pháp lý). Để khắc phục những khó khăn trên, năm 2014 Trung tâm cần tích cực tham mưu cho Sở Tư pháp nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý tại Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Điện Biên để kiện toàn Trung tâm cũng như Chi nhánh của Trung tâm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tạo nguồn Trợ giúp viên pháp lý và quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch trợ giúp pháp lý năm 2014.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch năm, với nhiều nhiệm vụ lớn như: thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm cần triển khai công tác trợ giúp pháp lý lưu động tới gần 100 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn trong tỉnh; quyết tâm đáp ứng 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân với chất lượng đảm bảo. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu trên, Trung tâm rất cần sự tạo điều kiện của UBND tỉnh để tiếp tục thực hiện lộ trình của Đề án theo Quyết định 885/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”; sự quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, về trụ sở của Trung tâm và các Chi nhánh; rất cần sự quan tâm hướng dẫn về nghiệp vụ, cấp và hỗ trợ kịp thời kinh phí từ Trung ương để thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, Quyết định 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ kinh phí chi hoạt động đặc thù trợ giúp pháp lý.
Mã đáo thành công, hy vọng Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên sẽ có một năm khởi sắc với việc hoàn thành xuất sắc mục tiêu, kế hoạch công tác năm 2014./.
Đỗ Thị Việt Dũng
Trường Chính trị tỉnh Điện Biên