Lý luận và thực tiễn về các điều kiện bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

10/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp viên pháp lý có vị trí, vai trò quan trọng trong tố tụng dân sự (TTDS), đảm bảo mọi người đều có quyền có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tố tụng, nhất là đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về tài chính.Trong thời gian gần đây, số lượng vụ việc TTDS có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự ngày một nhiều hơn. 

 

Với sự am hiểu pháp luật, với kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần không nhỏ vào việc làm sáng tỏ sự thật khách quan, giúp Tòa án giải quyết đúng đắn các vụ việc dân sự, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS vẫn còn gặp khó khăn, bất cập như: một số quy định trong pháp luật TGPL và pháp luật TTDS chưa tạo điều kiện thuận lợi để Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tốt vai trò của mình; nhận thức về vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS chưa thống nhất; chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS, bài viết này tìm hiểu về lý luận và thực tiễn về các điều kiện bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự.

I. Các điều kiện bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

1. Các quy định pháp luật bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

Để Trợ giúp viên pháp lý có thể tham gia tố tụng dân sự hiệu quả, có hệ thống, pháp luật cần quy định đầy đủ về địa vị pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý trong pháp luật TTDS và trong pháp luật TGPL.

a. Pháp luật tố tụng dân sự cần có các quy định bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

Để bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự, các quy định của pháp luật tố tụng dân sự cần ghi nhận những quy định sau:

Thứ nhất, pháp luật tố tụng dân sự cần ghi nhận chức danh, phạm vi tham gia TTDS  và quyền, nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

Để đảm bảo cho sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong TTDS, quy định của pháp luật TTDS và pháp luật về TGPL phải quy định về chức danh Trợ giúp viên pháp lý, phạm vi tham gia TTDS và quy định quyền, nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong việc tham gia TTDS. Theo đó, pháp luật cần ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý tham gia TTDS với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và có quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, đặc thù của Trợ giúp viên pháp lý là chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là người thuộc diện được TGPL theo quy định chuyên ngành về TGPL. Vì vậy, để phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của chức danh Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng thì cần quy định rõ đương sự phải là người thuộc đối tượng được TGPL.

Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự cần quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp phápcho người được trợ giúp pháp lý

TGPL thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên phương diện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Có thể nói TGPL góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam-xóa đói giảm nghèo về cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho những đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận bình đẳng với pháp luật, công bằng trước pháp luật.

Những người được TGPL là người nghèo, trẻ em, người khuyết tật khó khăn về tài chính, người có khó khăn về tài chính...nên việc tiếp cận pháp luật của họ hạn chế hơn so với những người khác. Hiện nay, pháp luật về tố tụng hình sự cũng đã có quy định chỉ định người bào chữa cho người thuộc diện được TGPL. Để đảm bảo công bằng cho họ trong các vụ án dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì pháp luật cần quy định chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích cho người được TGPL cũng là một điều cần thiết, cụ thể: trường hợp người thuộc diện được TGPL có yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì Tòa án đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Thứ ba, pháp luật tố tụng dân sự cần ghi nhận trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải thích, hướng dẫn cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý để họ được tiếp cận với Trợ giúp viên pháp lý.

Việc truyền thông về quyền được TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí…đã được thực hiện, tuy nhiên, người được TGPL thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, nên việc tiếp cận thông tin của họ cũng hạn chế hơn so với nhóm người khác. Khi đương sự tham gia tố tụng thì người đầu tiên họ tiếp xúc là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo cho đương sự là người được TGPL hiểu rõ về quyền được TGPL của mình thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần giải thích, hướng dẫn cho người dân biết về quyền được TGPL.

Đối chiếu với các quy định pháp luật cần phải có để bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự ở trên, quy định pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam đã có những quy định góp phần bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự, cụ thể:

Thứ nhất, pháp luật TTDS Việt Nam đã ghi nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý trong Bộ luật tố tụng dân sự. Năm 2011, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã bổ sung và ghi nhận “Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL” là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. BLTTDS 2015 tiếp tục ghi nhận tư cách này của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia TTDS.

Thứ hai, theo quy định của TTDS Việt Nam, khoản 6 Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam chưa quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp phápcho người được trợ giúp pháp lý.

 b.  Các quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý cần bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

Để bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự, pháp luật TGPL cần quy định những vấn đề sau:

Thứ nhất, pháp luật TGPL cần quy định rõ khái niệm Trợ giúp viên pháp lý. Khái niệm Trợ giúp viên pháp lý cần chỉ rõ vị trí, chức năng của Trợ giúp viên pháp lý, đó là Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của nhà nước, làm việc tại Trung tâm TGPL nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện dịch vụ pháp lý cho người được TGPL theo sự phân công của Trung tâm TGPL nhà nước.

Thứ hai, pháp luật TGPL cần ghi nhận tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý. Vì Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh tư pháp, ngoài vị trí là một viên chức, Trợ giúp viên pháp lý còn hành nghề như một luật sư. Vì vậy, pháp luật TGPL cần quy định về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực và chuẩn mực đạo đức đối với Trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh đó, pháp luật TGPL cần quy định về trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.

Thứ ba, pháp luật TGPL cần quy định rõ phạm vi, hình thức hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý. Pháp luật cần ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng và được thực hiệc các vụ việc TGPL ở đâu (chỉ trong tỉnh/ thành phố hay toàn quốc), ghi nhận hình thức thực hiện TGPL (tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng), quy định rõ lĩnh vực pháp luật nào Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện (dân sự, hình sự, hành chính ...), quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, pháp luật TGPL cần quy định quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động TGPL nói chung và tố tụng nói riêng như: ghi nhận tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện TGPL và khi tham gia tố tụng.

Thực tiễn pháp luật trợ giúp pháp lý Việt Nam đã có những quy định về Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự, cụ thể:

Thứ nhất, pháp luật TGPL đã quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trợ giúp viên pháp lý. Theo đó, Trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện TGPL và là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý,được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định (Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 Luật TGPL).

Thứ hai, pháp luật TGPL quy định rõ về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Theo đó, viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư thì được tập sự trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Sau khi kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý, có đủ các tiêu chuẩn tại Điều 19 Luật TGPL thì được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp.

Trợ giúp viên pháp lý thuộc trường hợp bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý thìGiám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý đối với người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật TGPL. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Thứ ba, Luật TGPL quy định Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại với các hình thức TGPL gồm: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng (Điều 27 Luật TGPL). Trợ giúp viên pháp lý chỉ có thể thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi tỉnh/thành phố.

Thứ tư,pháp luật TGPL đã quy địnhTrợ giúp viên pháp lýtham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý trong tố tụng dân sự(Điều 31 Luật TGPL), cũng như hướng dẫn về quy trình thực hiện vụ việc TGPL nói chung (Thông tư số 12/2018/TT-BTP  ngày 28/8/2018của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý)

2. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn về số lượng, chất lượng, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức

Để Trợ giúp viên pháp lý phát huy vai trò của mình trong TTDS, cần có một đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và ý thức bảo vệ công lý, hoạt động vì lợi ích cộng đồng.

Hiện nay, hệ thống ngành Tòa án được tổ chức ở 63 tỉnh/thành phố, các Đoàn luật sư cũng được tổ chức ở 63 tỉnh/thành phố. Tùy thuộc vào số lượng người thuộc diện được TGPL trên địa bàn và số lượng án có người thuộc diện TGPL trên địa bàn, mỗi tỉnh cần dự kiến số lượng Trợ giúp viên pháp lý để đảm bảo đáp ứng nhu cầu TGPL.

Về chất lượng, Trợ giúp viên pháp lý phải bảo đảm chất lượng tương đương như luật sư: được đào tạo kỹ năng hành nghề, kỹ năng TGPL cho các đối tượng đặc thù, trình độ pháp lý, sức khỏe, tư cách đạo đức….

Thực hiện các quy định của Luật TGPL, sau 02 năm triển khai thực hiện Luật TGPL 2017, đội ngũ cán bộ của các Trung tâm đã từng bước được củng cố và tăng cường. Đến nay, đã có 643 Trợ giúp viên pháp lý, trung bình 10 Trợ giúp viên pháp lý (tăng 6,8% so với năm 2015).Chất lượng người thực hiện TGPL được nâng cao, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng tại Tòa, ngày càng đáp ứng nhu cầu TGPL của người được TGPL theo nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đổi mới công tác TGPL và Luật TGPL 2017.

3. Sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là tòa án

Để đảm bảo cho hoạt động TGPL trong TTDS của Trợ giúp viên pháp lý, sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là ngành tòa án là không thể thiếu. Cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan thực hiện TGPL có thể phối hợp với nhau trong các hoạt động sau:

Một là, phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về quyền được TGPL của người được TGPL. Do nhận thức và hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi là những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có trình độ dân trí thấp, không biết chữ nên họ chưa hiểu, chưa nhận thức được về quyền TGPL của mình hoặc không biết nơi liên hệ hoặc chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo về quyền được TGPL và chưa sử dụng quyền được TGPL của mình. Vì vậy, nhằm bảo đảm cho đương sự biết quyền được yêu cầu TGPL, cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Thẩm phán và những người làm trong ngành tòa án khi tiếp xúc với đương sự trong vụ việc liên quan thì giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL, đồng thời niêm yết Bảng thông tin về TGPL, đặt Hộp tin TGPL; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu TGPL và các tài liệu pháp luật có liên quan về TGPL tại các địa điểm tiếp dân của cơ quan mình.

Hai là, đối với việc xét xử, Tòa án cần thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng kịp thời trước ngày xét xử để đảm bảo sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý; giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL đã tham gia tố tụng trong vụ án đó kịp thời; Tòa án ghi rõ trong bản án, quyết định tên và chức danh của người thực hiện TGPL do tổ chức thực hiện TGPL cử tham gia tố tụng và ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm của họ khi bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người được TGPL.

Ba là, phối hợp chuyển vụ việc có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm TGPL.

Bốn là, bảo đảm cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ người bảo vệ quyền lợi của đương sự; xác nhận về thời gian mà người thực hiện TGPL làm việc, nghiên cứu hồ sơ tại cơ quan mình.

Năm là, trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện TGPL có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện TGPL để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện TGPL.

Công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong tố tụng luôn được chú trọng trong hệ thống pháp luật TGPL.Nhằm hướng dẫn thi hành các quy định về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện TGPL các Bộ luật, luật tố tụng (trong đó có Bộ luật TTDS) và Luật TGPL năm 2017, ngày 29/6/2018 liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC  quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 04/7/2013). Thông tư liên tịch số 10 đã quy định rất rõ các hoạt động phối hợp trong việc tuyên truyền về pháp luật TGPL, quy định trách nhiệm của của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải thích, thông báo, thông tin trong tố tụng dân sự và các hoạt động phối hợp khác nhằm đảm bảo đương sự là người được TGPL tiếp cận được TGPL sớm nhất.

4. Chế độ đãi ngộ đối với Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng dân sự

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức của Nhà nước. Việc tham gia tố tụng là một quá trình phức tạp. Nếu chỉ có lương của viên chức thì không tạo được đủ động lực để họ thực hiện công việc này. Vì vậy, ngoài lương Trợ giúp viên pháp lý cần được bồi dưỡng khi tham gia mỗi vụ việc tham gia tố tụng. Việc này sẽ khuyến khích Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự, tạo động lực Trợ giúp viên pháp lý tìm kiếm các vụ việc TGPL, từ đó, góp phần bảo đảm quyền được TGPL cho đương sự.

Chế độ đối với Trợ giúp viên pháp lý hiện nay này càng được bảo đảm.Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, Trợ giúp viên pháp lý được hưởng các chế độ, chính sách như sau:

- Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định và được trả lương theo quy định;

- Hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).

- Được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn.

- Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được hưởng bồi dưỡng sau: Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư[1]; được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng.  Ngoài thù lao, bồi dưỡng vụ việc, khi thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý còn được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý như sau:a) Các khoản phí phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và các chi phí hành chính khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý;b) Trong trường hợp đi công tác phục vụ giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí như đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác.

II. Một số kiến nghị nhằm bảo đảm sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng dân sự

1. Cần bổ sung quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp phápcho người được trợ giúp pháp lý. Do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn và do tâm lý tự ti, mặc cảm đặc thù của những người thuộc diện được TGPL nên họ thường có tâm lýe ngại, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, họ là người chịu thiệt thòi khi tranh chấp các vấn đề liên quan đến dân sự (đặc biệt là tài sản, đất đai…). Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì việc bổ sung quy định về chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp phápcho người được trợ giúp pháp lý là cần thiết.

2. Hạn chế việc luân chuyển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, tăng cường đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ở những tỉnh thiếu luật sư, những tỉnh có nhu cầu TGPL. Cần bổ sung kinh phí nghiệp vụ, đặc biệt là cần có khoản kinh phí riêng và hàng năm chi cho vụ việc TGPL.

3. Tăng cường sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng.Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cần quan tâm tổ chức phối hợp có hiệu quả với tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện theo các nội dung đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 10, kịp thời thông tin, giới thiệu những người thuộc diện TGPL đến Trung tâm hoặc chi nhánh để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đạt hiệu quả cao.

Thanh Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

[1]Điều 13 Nghị định 144/2017/NĐ-CP: Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể).Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.

 

 

Xem thêm »