Tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

12/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý, ngày 27 và ngày 28/9/2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Trợ giúp pháp lý và nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tham dự Hội nghị có Đồng chí Phạm Quốc Trung, phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và  các đại biểu là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên, Cộng tác viên khác, chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hoàng Thu Chung - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cùng các Báo cáo viên, trình bày những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như: Khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội, Luật đã làm rõ nét hơn nội dung TGPL là trách nhiệm của Nhà nước với những nội dung cụ thể; Mở rộng diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước như: Người có công với cách mạng, Người thuộc hộ nghèo, Trẻ em, Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, Người có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ. Người nhiễm chất độc da cam, Người cao tuổi, Người khuyết tật, Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, Người nhiễm HIV; Nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, tập trung thực hiện việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL; Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện TGPL tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL, nhất là việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động tố tụng; Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Giới thiệu một số nội dung Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Với những điểm mới nêu trên, Luật TGPL tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời dịch dụ pháp lý cho người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và người thuộc diện chính sách được TGPL, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

Hình ảnh tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu nghe các vấn đề Báo cáo viên Trung tâm TGPL Nhà nước tập huấn kỹ năng thực hiện Trợ giúp pháp lý; kỹ năng tư vấn pháp luật cho người khuyết tật và tư vấn pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị khởi kiện; kỹ năng tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất; kỹ năng tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự.

 Hội nghị đã tập trung phân tích các kỹ năng cơ bản của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình tham gia giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất. Việc áp dụng pháp luật nội dung và các nguồn bổ trợ khác của pháp luật là một trong các yếu tố quyết định thành công của người thực hiện trợ giúp pháp lý góp phần cho việc giải quyết tranh chấp đúng đắn, chính xác do đó người  thực hiện trợ giúp pháp lý cần xác định đúng luật nội dung và các nguồn bổ trợ khác của pháp luật để giải quyết các tranh chấp dân sự. Để thực hiện khởi kiện vụ án dân sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần xác định cụ thể các kỹ năng tiếp xúc, trao đổi, tư vấn… và kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho người được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, báo cáo viên còn cung cấp cho học viên các kỹ năng chuẩn bị cho  việc tham gia phiên toàn sơ thẩm và kỹ năng trình bày, tranh luận, đối đáp của người thực hiện trợ giúp pháp lý tại phiên tòa. Cũng tại hội nghị, báo cáo viên còn đưa ra các tình huống diễn ra trên thực tế để làm cơ sở cho học viên nghiên cứu, phân tích, đưa ra những nhận định của mình.

Hội nghị Tập huấn diễn ra trong 02 ngày 27 - 28/9/2018, là dịp để đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL./.

                                               Hồng Anh

Xem thêm »