Triển khai Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020, ngày 30/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-UBND và Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, để cụ thể hóa Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, ngày 25/6/2013 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-TGPL về việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2013. Qua một năm thực hiện đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Về Công tác truyền thông, xuất bản tài liệu về trợ giúp pháp lý:Chủ động phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh và Phòng Dân tộc các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và một số quy định của pháp luật về các lĩnh vực như: Dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình……. Đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã được niêm yết Bảng thông tin những vấn đề cần biết về trợ giúp pháp lý miễn phí để nhân dân biết tiện liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh và các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm khi có nhu cầu về trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Trung tâm và các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm đã biên soạn và in ấn các chuyên đề pháp luật để cấp phát cho người dân, với nội dung như: Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định của pháp luật hình sự liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên phạm tội; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về mua bán nhà ở; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về hụi; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình áp dụng đối với các dân tộc thiểu số; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về thừa kế theo di chúc và theo pháp luật; Bạn với trợ giúp pháp lý và một số quy định pháp luật về khởi kiện vụ án hành chính; Bạn với trợ giúp pháp lý và tìm hiểu pháp luật về người khuyết tật và pháp luật về vay vốn tín dụng ưu đãi với hộ nghèo tại Ngân hành chính sách xã hội…
Về Công tác tập huấn: Trung tâm đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên toàn tỉnh, có 110 đại biểu tham dự với nội dung: Triển khai Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số;Quán triệt Kế hoạch liên tịch số 762/KHLT-STP-BDT ngày 17/7/2012 của Sở Tư pháp và Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Diện người được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Về công tác tư vấn, tham gia tố tụng:Trong năm 2013, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh và các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm đã tiếp nhận được 157 vụ việc do người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đến yêu cầu trợ giúp pháp lý (trong đó tư vấn: 146 vụ; tham gia tố tụng: 11 vụ và ở các lĩnh vực pháp luật như: dân sự: 64 vụ; đất đai: 37 vụ; hôn nhân và gia đình: 44 vụ; hình sự: 09 vụ; lĩnh vực khác: 03 vụ).
Về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động:Trung tâm trợ giúp pháp nhà nước tỉnh Trà Vinh và Chi nhánh trợ giúp pháp lý trực thuộc Trung tâm đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động được 51 cuộc, có 2.547 lượt người dân đến tham dự, và đã cấp phát 2.547 bộ tài liệu pháp luật cho người dân đến tham dự. Bên cạnh đó trong các buổi trợ giúp pháp lý lưu động Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh trực thuộc Trung tâm đã tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp mọi vướng mắc của người dân xoay quanh các vấn đề liên quan đến những tranh chấp thường xuyên xảy ra ở địa phương như: Tranh chấp lối đi chung, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp đường nước,……
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, bất cập như:Kinh phí cấp cho Trung tâm trợ giúp pháp lý để triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm và chưa đầy đủ; Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chiếm hơn 30% dân số trong toàn tỉnh, một bộ phận đồng bào dân tộc việc nghe và nói tiếng phổ thông còn nhiều hạn chế, trong khi đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý chưa thông thạo tiếng dân tộc, phần lớn phải nhờ cán bộ địa phương phiên dịch lại nội dung khi thực hiện trợ giúp pháp lý; Một số địa phương chưa thật sự quan tâm phối hợp để thực hiện công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động gặp khó khăn như: Không tổ chức được buổi trợ giúp pháp lý lưu động và nếu có tổ chức được thì số người tham dự trợ giúp pháp lý lưu động ít; Điều kiện hoàn cảnh kinh tế của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện, thời gian chủ động tìm hiểu pháp luật; Đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh trực thuộc Trung tâm còn mới, không thường xuyên tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý nên phần nào ảnh hưởng chất lượng trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới rất mong các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện cấp kinh phí sớm hơn; Trước khi tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước cần phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Chú trọng công tác phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh là người dân tộc thiểu số; Chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố, Công an các huyện và Ủy ban nhân dân xã chọn địa điểm thường xảy ra tệ nạn xã hội để tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật nhằm hạn chế tình hình tội phạm, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân./.
Phạm Thị Thiên Phương
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Trà Vinh.