Tư pháp Quảng Ngãi với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững

14/04/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nguời lao động; lồng ghép phổ biến các nội dung của Nghị quyết trong các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, các đợt trợ giúp pháp lý lưu động của Trung tâm trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc giảm nghèo nhanh và bền vững tại 06 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh của các cấp, các ngành.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tập trung triển khai chính sách hỗ trợ pháp lý (theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg) cho nguời nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 30a.

Trong 05 năm qua, (từ năm 2008 đến năm 2013), công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân tại các huyện nghèo. Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức thực hiện thành công 440 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến 67 xã, thị trấn của 06 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh; tổ chức thành công 31 lớp tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý và đội ngũ công chức Tư pháp cấp xã trên địa bàn của 06 huyện nghèo. Tổng số người được trợ giúp pháp lý là 3.416 nguời. Trong đó, nguời nghèo: 1.275 người, đồng bào dân tộc thiểu số: 1.979 người và đối tượng khác là 162 người. Theo đó, tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành là 3.410 vụ việc (tư vấn 2.439 vụ, tham gia tố tụng 971 vụ).

Hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hoà giải cũng được duy trì thường xuyên, hầu hết các xã trên địa bàn 06 huyện miền núi của tỉnh đều đã thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hoà giải. Các Câu lạc bộ và Tổ hoà giải thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ với nội dung phong phú như: tổ chức nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày của nguời dân; giới thiệu các văn bản pháp luật; trao đổi, thảo luận các vụ việc tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư; giới thiệu chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của nguời dân…

Công tác truyền thông, thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua được Trung tâm trợ giúp pháp lý phổ biến rộng rãi đến các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền thông qua hình thức làm Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn; Nhà văn hoá các thôn, bản… và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh; in ấn các loại tờ gấp pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý cấp phát cho nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (cấp phát hơn 37.929 các loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật).

Có thể thấy, nhìn chung sau 05 năm triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo tinh thần Nghị quyết 30a bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác, qua đó làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Mặc khác, thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương, nhất là hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở đã góp phần giải toả những vướng mắc về pháp luật, hạn chế những phát sinh mấu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 05 năm qua, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn quá ít (06 người) nên quá trình triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc phân công phụ trách chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật; nguồn kinh phí hiện nay cấp cho hoạt động này cìn nhiều hạn chế và đang bị cắt giảm dần.

                                                                                MINH NHẤT

 

Xem thêm »