Những kết quả bước đầu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

14/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Những kết quả bước đầu triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hệ thống trợ giúp pháp lý ra đời trên cơ sở Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, qua 18 năm hình thành và phát triển, đến nay, hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã trải rộng trên toàn quốc với 63 Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc 63 Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 199 Chi nhánh đặt tại huyện hoặc liên huyện. Cùng với sự hình thành và phát triển công tác trợ giúp pháp lý trên cả nước, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 11/12/2000. Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018) cùng với đó là hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành, đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác TGPL. Nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp lý năm 2017 đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý của các tổ chức xã hội. Luật cũng mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước. Luật cũng đã nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia việc thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL… Thực hiện Kế hoạch số 35 /KH-STP ngày 30/01/2018 của Sở Tư pháp tỉnh Băc Kạn về triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, trong năm 2018, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã đạt được nhiều hiệu quả, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng cao. Tính đến thời điểm hết tháng 12 năm 2018, Trung tâm đã thực hiện tiếp công dân tại trụ sở: 337 lượt người; Hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật: 13 vụ việc; Tiếp nhận từ và thực hiện 331 vụ việc/331 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. (Trong đó:+ Tham gia tố tụng: 230 vụ việc; Đại diện ngoài tố tụng: 02 vụ việc; Tư vấn pháp luật: 99 vụ việc). Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý 112 vụ việc, số vụ việc đạt chất lượng tốt 91 vụ việc, số vụ việc đạt chất lượng 21 vụ việc. Thẩm định vụ việc trợ giúp pháp lý 60 vụ việc. Thực hiện Kế hoạch số 57/KH-STP ngày 05/3/2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2018, Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2018; Tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở tại 45 điểm/45 xã, số lượt người tham dự: 1.798 người; Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại 18 điểm/18 xã trên địa bàn tỉnh với 617 người tham dự. Tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên, công tác viên khác, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ, người làm công tác dân tộc, lao động, thương binh & xã hội; tập huấn cho công chức trong cơ quan Thanh tra nhà nước, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi truyền thông các báo cáo viên pháp luật giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý qua các phương tiện truyền thông tại xã, phường, thị trấn, thôn, bản..đã từng bước được chú trọng. Đây là một trong những kênh thông tin đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Trung tâm đã phối hợp xây dựng và phát 146 chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên 58 Đài truyền thanh xã thuộc các huyện Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn, Pác Nặm, Bạch Thông. Cung cấp, lắp đặt cho Uỷ ban nhân dân các xã 47 bảng thông tin trợ giúp pháp lý, 42 hộp tin trợ giúp pháp lý, 84 bản danh sách trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm. Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại Tạm giam; Nhà Tạm giữ; các cơ quan, ban, ngành để mọi người dân dễ dàng tiếp cận biết được trình tự theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó thể hiện các nội dung cơ bản về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như người được trợ giúp pháp lý, phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý, lĩnh vực, hình thức và hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý. Cung cấp 8.900 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và cấp phát miễn phí 24.000.000 tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh, cho người dân tại các buổi truyền thông, hộp tin trợ giúp pháp lý, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý, phòng tư pháp các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, Trung tâm và các Chi nhánh luôn kết hợp giới thiệu với người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý, điều kiện để được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh, thủ tục để được trợ giúp pháp lý, giúp người dân nắm bắt được các thông tin về hoạt động này. Kết quả truyền thông cho thấy, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã biết về trợ giúp pháp lý cũng như chính sách nhân đạo mà Đảng và Nhà nước đã dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhờ tuyên truyền tích cực về công tác trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý, nhận thức của các cơ quan nhà nước về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của trợ giúp pháp lý đã được nâng cao và ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đã được tăng cường. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã giới thiệu người thuộc diện trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý thường xuyên hơn và số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng đã tăng lên đáng kể. Trung tâm đã ban hành 158 quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã góp phần quan trọng bảo đảm các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Đồng thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp các đương sự là người được TGPL. Trên cơ sở Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm luôn quan tâm đến các hình thức trợ giúp pháp lý, đặc biệt chú trọng đến hình thức tham gia tố tụng. Lãnh đạo Trung tâm phân công và giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho từng Trợ giúp viên pháp lý đảm bảo đạt chỉ tiêu tốt theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ, bào chữa cho người được TGPL tại các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong đó, đa phần vụ việc trợ giúp pháp lý đều do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Sau một năm thực hiện và triển khai Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy có khó khăn nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương đã dần đi vào ổn định. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ trong thời gian tới, Trung tâm đã kịp thời đổi mới hoạt động TGPL, tạo được sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan trong tỉnh. Tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn quyết tâm nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, đưa công tác TGPL của tỉnh tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ nhu cầu TGPL của nhân dân./. Hồng Anh

Xem thêm »