Kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố Cần Thơ năm 2018

26/02/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 2661/KH-HĐPL ngày 06/11/2018 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố Cần Thơ (sau đây gọi tắt là Hội đồng). Vừa qua, từ ngày 19 - 21/12/2018, Hội đồng tổ chức Đoàn kiểm tra gồm có: Trưởng đoàn đồng chí Võ Văn Chính - Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng; Phó Trưởng đoàn đồng chí Phan Quỳnh Dao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành viên Hội đồng, cùng các đồng chí là đại diện các thành viên và tổ giúp việc của Hội đồng đã tiến hành kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Thới Lai.

Đ/C Võ Văn Chính - Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi làm việc Kết quả kiểm tra tại ba đơn vị cho thấy, hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng được trợ giúp pháp lý và đề nghị, giới thiệu đối tượng đến Trung tâm, Chi nhánh yêu cầu trợ giúp pháp lý; đăng ký tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý; thông báo thời gian, địa điểm hỏi cung, lấy lời khai; việc giao các văn bản tố tụng (Kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo lịch xét xử, quyết định công nhận sự thoả thuận, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bản sao bản án, thông báo kháng nghị…. cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (có hiệu lực từ ngày 01/09/2018), được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện triển khai đồng bộ, rộng rãi đến tất cả cán bộ của ngành mình để nắm bắt và nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Thông tư. Tuy nhiên, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng vẫn còn một số hạn chế như: số vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng còn ít so với tổng số án thụ lý trên địa bàn, chưa xác định được số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, công tác phối hợp giữa các ngành thành viên chưa chặt chẽ, chất lượng trợ giúp pháp lý đôi lúc chưa cao. Đoàn kiểm tra kiến nghị, các ngành thành viên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, truyền thông đến người dân và trong nội bộ cơ quan, đơn vị của ngành mình các quy định về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của đối tượng; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên để việc phối hợp được chặt chẽ, tránh bỏ sót đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý. Qua đó, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian tới./.

Nguyễn Thu Hà  -Trung tâm TGPLNN TP. Cần Thơ

Xem thêm »