Kết quả công tác Trợ giúp pháp lý 06 tháng đầu năm 2014 phương hướng hoạt động 06 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

18/06/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, Lãnh đạo Sở Tư pháp, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong 6 tháng đầu năm, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đáp ứng nhu cầu TGPL ngày càng tăng của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL với những kết quả cụ thể như sau:

        Công tác TGPL lưu động, tư vấn pháp luật tại cơ sở: Trong sáu tháng đầu năm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hòa Bình đã thực hiện và trợ giúp pháp lý được tổng số 1153 vụ việc. Trong đó tư vấn 1117 vụ việc và tham gia tố tụng 33 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 03 vụ việc.

Phối hợp với Phòng Tư pháp, Hội phụ nữ các huyện tổ chức trợ giúp pháp lý tại thôn, xóm của 68 xã trên địa bàn tỉnh, qua đó trợ giúp được 1043 vụ việc chohơn 10.000 lượt người đến tham dự. Các vướng mắc của người dân chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực pháp luật như: giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai, hôn nhân và gia đình, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo,...

So với cùng kỳ năm 2013, tổng số vụ việc tăng 28%. Trợ giúp pháp lý tăng 23%. Tỷ lệ số người dân biết đến tăng 35% so với năm 2013.

Để đạt được các kết quả nêu trên là do sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện triển khai có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bên cạnh đó việc phối hợp giữa công tác trợ giúp pháp lý và các tổ chức chính trị, chính quyền cơ sở trong việc làm tốt công tác dân vận, thực hiện tuyên truyền pháp luật, các chế độ chính sách ưu đãi, các thủ tục hành chính được kịp thời, đúng người, đúng việc đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Công tác tham gia tố tụng: Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã thụ lý: 36 vụ việc (tố tụng: 33 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng: 03 vụ viêc). Kết quả hoàn thành 07 vụ việc; 28 vụ việc chuyển sang kỳ sau; 01 vụ việc chuyển đi nơi khác thực hiện.

Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia:Kết quả thực hiện TGPL lưu động: Trung tâm TGPL tổ chức được 75 đợt TGPL lưu động tại 127 điểm thuộc các thôn, xóm, xã nghèo trên địa bàn tỉnh, thu hút được hơn 10.000 lượt người tham dự. Qua các đợt TGPL lưu động đã tư vấn trực tiếp 866 vụ việc.

Thông qua đó đã kết hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật mới và các lĩnh vực pháp luật mà người dân muốn tìm hiểu như: Luật Đất đai, Luật HN&GĐ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, các chính sách người dân tộc, người nghèo…, cấp phát hơn 10.000 tờ gấp pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Để nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị trên  địa bàn tỉnh về mục đích và ý nghĩa của hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, Trung tâm đã phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg. Triển khai lắp đặt 361 bảng thông tin về TGPL, việc lắp đặt được thực hiện tại: 74 xã nghèo thuộc khu vực III, lắp đặt 3 bảng/xã; 139 thôn, xóm nghèo thuộc xã khu vực II lắp đặt mỗi thôn, xóm 1 bảng.

Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý: Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 904/QĐ-UBND, ngày 04/7/2013 về việc kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hòa Bình.

- Số giấy chứng nhận tham gia tố tụng được cấp (Cơ quan điều tra: 2, Tòa án: 12); Số vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến (cơ quan điều tra: 19)

- Số lượng bảng thông tin về TGPL: Trung tâm lắp đặt 37 bảng thông tin về TGPL tại trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ.

Sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL: Trên địa bàn tỉnh có tổng số 118/210 xã, phường, thị trấn đã thành lập Câu lạc bộ TGPL (chiếm 56%). Trong số 118 CLB hiện chỉ có 04 CLB thành lập năm 2011 do Quỹ TGPL Việt Nam hỗ trợ kinh phí đang hoạt động có hiệu quả (Câu lạc bộ thuộc các xã: Do Nhân huyện Tân Lạc; Thượng Bì huyện Kim Bôi; Tòng Đậu huyện Mai Châu; Thu Phong huyện Cao phong) Đã tổ chức sinh hoạt với các chuyên đề: Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Thủ tục, điều kiện nuôi con nuôi; Luật nghĩa vụ quân sự; Chính sách đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo; Luật giao thông đường bộ. Tổng số đợt sinh hoạt là: 16 đợt, trong đó Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm tham gia là 14 đợt. Số người tham dự là: 762 lượt người. Số vụ việc được thực hiện: 130 vụ việc.

Về đội ngũ Cộng tác viên TGPL: Đội ngũ Cộng tác viên: Tổng số: 151 người (trong đó: 04 Cộng tác viên là Luật sư; 57 Cộng tác viên cấp huyện; 90 Cộng tác viên cấp xã; Cộng tác viên nam: 103 người; nữ: 48 người. Đội ngũ này đã và đang hoạt động rất tích cực thực hiện TGPL nhiều vụ việc kịp thời có hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Tuy nhiên, Đội ngũ Cộng tác viên là Luật sư tham gia còn ít, hầu hết các Luật sư là cán bộ đã nghỉ hưu tuổi cao (trên 60 tuổi), vì vậy sức khỏe không đảm bảo để tham gia các vụ việc tố tụng phức tạp, kéo dài.      

Để bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hòa Bình đã phối hợp, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các Chi nhánh tại 11 huyện, thị thực hiện theo sự chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng kế hoạch Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình, giao thông đi lại khó khăn, đối tượng trợ giúp pháp lý đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy trong phương hướng hoạt động của Trung tâm 6 tháng cuối năm 2014, Trung tâm tích cực tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thông qua đó tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người được trợ giúp pháp lý.

          Nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý gắn liền với nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trung tâm TGPL xác định cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho viên chức Trung tâm, đội ngũ Cộng tác viên mới tham gia cộng tác và tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; đồng thời chỉ đạo Chi nhánh Trợ giúp pháp lý các huyện, thị hướng dẫn các Câu lạc bộ TGPL xây dựng kế hoạch hoạt động.

          Thực hiện tốt và có hiệu quả các công tác phối hợp trong công tác TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Tòa án, Viện kiếm sát) và các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội phụ nữ tỉnh…).

          Với những kết quả đã đạt được Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hòa Bình khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục khẳng định vị trí vai trò nhiệm vụ của mình góp phần vào việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm bớt khiếu kiện của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                        Nguyễn Nhung

                                                              Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hòa Bình

 

Xem thêm »