Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi

20/06/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác, giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống. Đây là một trong những chính sách được triển khai thực hiện trong các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (tỉnh Quảng Ngãi có 06 huyện nghèo).

Trong những năm gần đây, hoạt động TGPL trên địa bàn 06 huyện miền núi được triển khai thực hiện một cách sâu, rộng và đạt được một số kết quả quan trọng, đáng khích lệ như: tổ chức thực hiện TGPL bước đầu được củng cố, kiện toàn; năng lực của người thực hiện TGPL được nâng lên, đáp ứng nhu cầu TGPL đa dạng cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật[1]. Mặt khác, hoạt động TGPL đã góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chính sách TGPL tại các huyện miền núi của tỉnh không những góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số mà còn trở thành một trong những nội dung quan trọng của chính sách xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách TGPL trên địa bàn 06 huyện miền núi vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Đối tượng, nhu cầu thụ hưởng TGPL ngày càng mở rộng và tăng cao, trong khi đó mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL chưa được kiện toàn củng cố, hầu hết các Câu lạc bộ TGPL hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn các huyện miền núi của tỉnh trải rộng, việc đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ nên người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng TGPL. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác TGPL còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; phương tiện đi lại và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động TGPL còn thiếu, nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương để thực hiện chính sách TGPL cho 06 huyện miền núi ngày càng bị cắt giảm theo từng năm chủ yếu là nguồn kinh phí theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg), trong khi đó kinh phí từ ngân sách địa phương cấp cho hoạt động TGPL còn hạn chế... những điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả việc thực hiện chính sách TGPL trong thời gian qua.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động TGPL cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh trong thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (Trung tâm) cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất,tuyên truyền, quảng bá cho nhân dân địa phương, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại 06 huyện miền núi hiểu biết về hoạt động TGPL với mục đích nhân dân biết, tìm đến với dịch vụ TGPL để được tư vấn, trợ giúp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động TGPL ở cơ sở (TGPL lưu động, sinh hoạt tổ hòa giải và Câu lạc bộ TGPL) hoạt động ổn định và phát triển nhằm đưa pháp luật về với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai,xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác TGPL đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Đặc biệt là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các huyện miền núi. Đồng thời ưu tiên củng cố các Chi nhánh của Trung tâm ở những huyện miền núi xa trung tâm, những huyện có nhu cầu cao về TGPL.

Thứ ba,đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động TGPL và tổ chức thực hiện các hoạt động TGPL bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, tạo điều kiện tối đa để đồng bào dân tộc các huyện miền núi tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL miễn phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số.

Thứ tư,vận động, thu  hút các nguồn lực xã hội (các Hội đoàn thể, tổ chức hành nghề luật sư và các tổ chức, cá nhân,…) tham gia TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, học tập, trao đổi kinh nghiệm TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với các tỉnh bạn.

Thứ năm,chủ động phối hợp và lồng ghép chính sách TGPL với các chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống người dân.

Ngoài những giải pháp nêu trên, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách TGPL tại các huyện miền núi của tỉnh, đề nghị các cơ quan Nhà nước cấp trên cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về TGPL để Trung tâm có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh nói chung và tại 06 huyện nghèo của tỉnh nói riêng.

- Bảo đảm cơ sở vật chất, trụ sở làm việc và kinh phí cho hoạt động TGPL (kinh phí theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 20/12/2011và Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 16/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện chính sách TGPL trên địa bàn tỉnh  để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

- Cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với đội ngũ người thực hiện TGPL để họ có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác, nhất là đội ngũ viên chức đang làm việc tại các Chi nhánh đặt tại huyện miền núi của tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Trung tâm, hoạt động TGPL của Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên; kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TGPL./.

PTQ – Trịnh Thị Lệ

[1]Theo kết quả thống kê, hiện nay Trung tâm đã thành lập được 02 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 2 Chi nhánh; có 26 người đang làm việc; 06 Trợ giúp viên pháp lý, 19/26 người có trình độ Đại học luật; 123 Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trong đó có 11 cộng tác viên là Luật sư. Từ năm 2011 đến năm 2013, trên địa bàn 06 huyện miền núi, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 2.821 đối tượng, tổ chức thành công 192 đợt trợ giúp pháp lý lưu động.

 

Xem thêm »