Kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

20/06/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.Sau gần 08 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và hơn 02 năm thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ), công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận[1], kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng yếu thế khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL thời gian qua vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế[2] cần được khắc phục đổi mới. Xuất phát từ yêu đó, đồng thời đáp ứng tốt nhất nhu cầu TGPL rất phong phú, đa dạng và ngày một tăng của người dân, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất,thời gian qua, các quy định pháp luật trong lĩnh vực TGPL luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng. Song, thực trạng hiện nay, nhiều quy định trong Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế kịp thời như: Các quy định về đối tượng được TGPL chưa theo kịp với yêu cầu thực tế, thiếu đồng bộ và chưa có sự thống nhất với các văn bản luật khác. Do đó, để đổi mới công tác TGPL thì điều kiện trước tiên là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về TGPL theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đối tượng được TGPL và người thực hiện TGPL từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai,mục tiêu của công tác TGPL là đảm bảo 100% đối tượng được TGPL miễn phí khi có yêu cầu và một trong các giải pháp hữu hiệu cho mục tiêu này là“xã hội hóa công tác TGPL”. Mặt khác, trong Luật TGPL năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà mới đây nhất là Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm khuyến khích các nguồn lực xã hội (các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; các Hội đoàn thể,…) tham gia TGPL. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành các chính sách cụ thể nhằm huy động, thu hút và khuyết khích các tổ chức, cá nhân tham gia TGPL (Ví dụ: Chính sách miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư, cơ chế nâng mức bồi dưỡng đối với luật sư, tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia TGPL,…). Chính vì vậy, để thực hiện tốt mục tiêu trên, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL trong thời gian tới thì Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng và ban hành những chính sách cụ thể bảo đảm các quyền lợi của các cá nhân, tổ chức khi đăng ký tham gia TGPL (có được quyền lợi, thì mới quy trách nhiệm), có như vậy mới tích cực khuyến khích, thu hút họ tham gia TGPL. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chế tài đủ mạnh giám sát nghĩa vụ thực hiện TGPL của đội ngũ luật sư, giúp họ nhận thức việc TGPL là trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Thứ ba,Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ) và Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam là những văn bản mang ý nghĩa chiến lược, định hướng cho hoạt động TGPL trong thời gian dài. Nhưng đến nay, một số mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đề ra trong Đề án và Chiến lược  đã tỏ ra chưa phù hợp với tình hình của nhiều địa phương. Vì vậy, cần điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp trong Đề án và Chiến lược nêu trên cho phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương. Đây là giải pháp cần thiết và phải được thực hiện ngay.

Thứ tư,theo quy định hiện hành, người thực hiện TGPL nhà nước là Trợ giúp viên pháp lý có tiêu chuẩn, điều kiện tương đương như luật sư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân chưa biết và chưa hiểu rõ về Trợ giúp viên pháp lý mà quen với chức danh luật sư nên gây khó khăn cho Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh đó, kinh nghiệm ở hầu hết các nước trên thế giới, người thực hiện TGPL là luật sư. Do vậy, cần chuyển đổi chức danh Trợ giúp viên pháp lý thành chức danh “Luật sư công hay Luật sư Trợ giúp viên pháp lý” nhằm giúp người dân dễ tiếp cận.

Thứ năm,Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) là đơn vị thuộc Sở Tư pháp, công việc khá vất vả so với các đơn vị khác thuộc Sở[3], nhưng công chức được hưởng phụ cấp công vụ 25% tiền lương, còn viên chức ở Trung tâm (trừ Trợ giúp viên pháp lý) lại không được hưởng phụ cấp công vụ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đối với viên chức Trung tâm lương là thu nhập chính (viên chức mới vào làm khoảng 2.400.000 đồng/tháng); tuy nhiên, khoản lương này chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống bản thân, nói chi lo đến những thành viên của gia đình. Điều này đã tạo cho viên chức tâm lý không an tâm trong công tác, xem Trung tâm chỉ là nơi dừng chân, làm việc tạm thời để chờ cơ hội. Và khi có điều kiện chuyển đổi công tác, họ sẵn sàng ra đi. Vì vậy, đổi mới công tác TGPL cần gắn với đổi mới trong công tác đãi ngộ, đảm bảo các chế độ, chính sách ưu đãi về thu nhập cho đội ngũ viên chức Trung tâm, nhất là đối với viên chức đang công tác tại Chi nhánh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Và trước hết, Chính phủ cần xem xét, mở rộng đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp công vụ cho đội ngũ viên chức của Trung tâm.

Thứ sáu, tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan, công tác phối hợp trong hoạt động TGPL chưa chặt chẽ, nhất là tại các cơ quan tiến hành tố tụng, có nơi vẫn coi TGPL là nhiệm vụ của riêng ngành Tư pháp, của Trung tâm. Do vậy, để các tổ chức, cơ quan và người dân nhận thức rõ về hoạt động TGPL thì công tác truyền thông, thông tin về TGPL cần được quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện, đồng thời cần ban hành cơ chế đảm bảo trách nhiệm phối hợp trong công tác TGPL giữa các cơ quan, tổ chức với các tổ chức thực hiện TGPL.

Thứ bảy, rà soát tính hiệu quả hoạt động của các Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm, các Câu lạc bộ TGPL; không thành lập thêm Chi nhánh và các Câu lạc bộ TGPL mà tập trung củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật, bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; chấm dứt hoạt động đối với các Chi nhánh, Câu lạc bộ hoạt động không hiệu quả.

Thứ tám,đổi mới chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, tập trung tập huấn các kỹ năng, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện vụ việc TGPL, nhất là kinh nghiệm trong hoạt động tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý; xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có năng lực, trình độ thực hiện TGPL nhất là trong hoạt động tố tụng (bổ sung, hỗtrợ kinh phí học lớp đào tạo nghề luật sư, kinh phí tập huấn nghiệp vụ TGPL,…).

Và cuối cùng,để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược, đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của các đối tượng được TGPL thì ở địa phương, UBND cấp tỉnh cần tạo điều kiện bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động tương xưng cho Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ TGPL được giao. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác TGPL, tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng hoạt động TGPL của tổ chức, cá nhân, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mà nhất là người nghèo, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc khác, cần có chính sách, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tổ chức, cá nhân đã có đóng góp, thành tích trong công tác TGPL nhằm động viên, khích lệ tinh thần họ.

Với các giải pháp, kiến nghị nêu trên, tôi hi vọng rằng mình sẽ góp một phần nhỏ bé vào công cuộc đổi mới hiệu quả công tác TGPL trong thời gian đến./.   

PTQ – Trịnh Thị Lệ

[1]  Xem kết quả theo Báo cáo sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam của Bộ Tư pháp.

[2]Hệthống văn bản quy phạm về TGPL còn nhiều bất cập; ở một số địa phương, mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL còn chậm được kiện toàn, hầu hết các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đội ngũ người thực hiện TGPL còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho hoạt động còn thiếu thốn và hạn chế chưa tương xứng với nhu cầu thụ hưởng trợ giúp pháp lý ngày càng mở rộng và tăng cao của người dân; số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng còn ít, chất lượng một số vụ việc TGPL chưa cao,…

[3]  Dù là đơn vị sự nghiệp công lập thì ngoài công việc chuyên môn về cung cấp dịch vụ công các lĩnh vực pháp lý, Trung tâm còn phải thực hiện các công việc khác  như: Xây dựng các văn bản  tham mưu cho Giám đốc Sở, UBND tỉnh ban hành, đảm  bảo chế độ thống kê, báo cáo định kỳ tháng, quý, năm; thực hiện việc góp ý văn bản (Đề án, Thông tư, Quyết định, Kế hoạch…) theo yêu cầu của cấp trên giống như các phòng chuyên môn thuộc Sở.

 

Xem thêm »