Bình Dương: Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại Hội Người mù

15/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 25/6/2014, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Hội người mù tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho hơn 60 hội viên Hội người mù tỉnh Bình Dương là đại diện các chi hội người mù tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động, các hội viên đã được Trợ giúp viên pháp lý thông tin các quy định cơ bản về Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, chế độ chính sách dành cho người khuyết tật đồng thời được tư vấn pháp luật miễn phí, đặc biệt là được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống với các đồng đẳng viên. Những câu hỏi được hội viên đưa ra chủ yếu xoay quanh vấn đề  chính sách ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, bảo đảm việc làm, quyền được đi học, bảo trợ xã hội, quy định pháp luật về hôn nhân gia đình đối với người khuyết tật…

Buổi trợ giúp pháp lý lưu động góp phần thông tin, tuyên truyền cho người khiếm thị hiểu được những khái niệm cơ bản nhất về pháp luật và một số quyền cơ bản liên quan đến bản thân họ. Tuy nhiên, việc đưa kiến thức pháp luật đến với người khiếm thị cần phải được thực hiện thường xuyên, đồng thời phải tuyên truyền cho cộng đồng hiểu, cảm thông và chia sẻ với những đối tượng này. Ông Trần Văn Em - Chủ tịch Hội người mù tỉnh Bình Dương cũng hi vọng trong thời gian sắp tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Người mù tỉnh Bình Dương tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động đến chi hội người mù ở huyện, thị, thành phố để hội viên biết đến và tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí này.

Hiện tại, toàn tỉnh Bình Dương có hơn 800 người khiếm thị nói riêng, hơn 10.000 người khuyết tật nói chung. Đa số những vướng mắc của người khuyết tật đều liên quan đến các chế độ bảo trợ xã hội, trình tự, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội; các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật... Do đó, để đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung, ông Nguyễn Trọng Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cho biết Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã có kế hoạch soạn thảo, in ấn tờ gấp pháp luật, băng đĩa, các ấn phẩm chuyên dụng khác dành cho người khuyết tật để phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của người khuyết tật; giải đáp vướng mắc pháp luật thường gặp của người khuyết tật; xây dựng và lắp đặt bảng tin, hộp tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại các địa điểm bảo trợ xã hội, Hội của người khuyết tật; thực hiện trợ giúp pháp lý cho 100% người khuyết tật khi họ yêu cầu; tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu./.

                                           Nguyễn Tiến Dũng

                                Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Dương

Xem thêm »