Quảng Ngãi: “Sự phát triển và trưởng thành của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhìn từ trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ”

24/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong những năm qua, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí của các đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Từ năm 1998 đến tháng 10/2007 (Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi được thành lập theo Quyết định số 2961/1998/QĐ-UBND ngày 15/9/1998 của UBND tỉnh Quảng Ngãi), đội ngũ TGVPL trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 02 người với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng được TGPL, giúp họ tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trong những năm 2007 đến 2010, đội ngũ TGVPL (có 03 người) trên địa bàn tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng chủ yếu bằng hình thức tư vấn pháp luật. Hoạt động TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng còn rất hạn chế (chỉ chiếm từ 7% đến 10% trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng), chủ yếu do đội ngũ Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện.

Từ thực tiễn của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng cho thấy: Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng đã kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trong thực tế. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn đó cùng với thực hiện các Chương trình, Đề án, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực thực hiện TGPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, đáp ứng nhu cầu TGPL ngày một tăng của các người dân; từ năm 2010 đến đầu năm 2014, Sở Tư pháp đã không ngừng cử các viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý tạo nguồn bổ nhiệm TGVPL (10 viên chức tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, 06 viên chức tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL) và trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 04 TGVPL.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 06 TGVPL; trong đó, 02 TGVPL là lãnh đạo Trung tâm, 02 TGVPL là lãnh đạo cấp Phòng và tương đương, 04 TGVPL được đào tạo nghề luật sư và nghiệp vụ TGPL, 05 TGVPL thường xuyên tham gia TGPL cho đối tượng bằng hình thức tham gia tố tụng, 04 TGVPL được đào tạo lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên. Mặt dù TGPL trong hoạt động tố tụng còn rất mới đối với TGVPL và đòi hỏi mỗi TGVPL phải có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và sự hiểu biết tốt về pháp luật, kiến thức xã hội, mà đặc biệt là kỹ năng khi tham gia tố tụng ở tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử,… nhưng đội ngũ TGVPL Quảng Ngãi đã cố gắng hết mình, tận tụy, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách khi tham gia tố tụng và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Đội ngũ TGVPL đã tham gia mạnh mẽ vào hoạt động TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng[1] (số vụ việc cử Luật sư cộng tác viên TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng giảm dần); những vụ việc TGPL cho đối tượng bằng hình thức tham gia tố tụng do TGVPL thực hiện hàng năm đều tăng và chiếm tỷ lệ cao so với các năm trước (chiếm 40 %/tổng số vụ việc tham gia tố tụng hàng năm và có năm chiếm gần 50%), khẳng định vai trò là một Luật sư của nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhóm yếu thế trong xã hội tại các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời, chất lượng vụ việc luôn đạt tiêu chuẩn theo theo quy định của pháp luật, được các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao, chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ.

So với nhu cầu TGPL của người dân trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng 06 TGVPL Trung tâm hiện có là quá ít, chưa đáp ứng kịp thời tất cả các vụ việc TGPL khi có yêu cầu của đối tượng, đặc biệt là các vụ việc có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều đối tượng. Do vậy, nhằm kế thừa và phát huy những kết quả đạt được nêu trên, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về công tác TGPL, kịp thời cung cấp tốt nhất dịch vụ pháp lý miễn phí đến với các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội thì việc xây dựng đội ngũ TGVPL trưởng thành, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng là một yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với các cấp chính quyền. Đó là cơ sở đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật./.

 

Phạm Thanh Quang

Trung tâm TGPL Quảng Ngãi

[1] Trước năm 2010, vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL chỉ chiếm từ 7% đến 10 %; năm 2010 chiếm 20,7%; năm 2011 chiếm 34,3%; năm 2012 chiếm 42%; năm 2013 chiếm 47,2% và 6 tháng đầu năm 2014 chiếm 50%.

 

 

Xem thêm »