Hà Nội: Tổ chức Trợ giúp pháp lý tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng

25/07/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác quý III năm 2014, ngày 24/7/2014 Trung tâm trợ giúp pháp lý Hà Nội phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Đan Phượng, Đảng ủy, Hội đồng và Ủy ban nhân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội tổ chức đợt trợ giúp pháp ly lưu động cho nhân dân trên địa bàn toàn xã.

Tại đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Báo cáo viên của Đoàn công tác đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013. Sau đó, các Luật sư là Cộng tác viên và Trợ giúp viên pháp lý đã chia thành các bàn khác nhau để tiếp nhận yêu cầu và  trực tiếp tư vấn cho nhân dân. Kết quả, Đoàn công tác đã tư vấn 09 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực: đất đai: 07 vụ việc; khác: 02 vụ việc.

Với cách thức tổ chức bài bản một đợt trợ giúp pháp lý lưu động như vậy thì có thể nói hình thức trợ giúp pháp lý này rất hiệu quả, được nhân dân hoan nghênh và chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ. Trước khi tổ chức đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp huyện và công chức tư pháp-hộ tịch của xã; lựa chọn và mời các Cộng tác viên là Luật sư giàu kinh nghiệm, tâm huyết tham gia Đoàn công tác; họp nhanh với lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng và Ủy ban nhân dân xã thống nhất cách thức làm việc. Sau đợt trợ giúp pháp lý lưu động lại có cuộc họp nhanh giữa Đoàn công tác với lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng và Ủy ban nhân dân xã để thông tin sơ bộ những nội dung mà nhân dân có vướng mắc đề nghị tư vấn và trao đổi với các đồng chí lãnh đạo địa phương về những ý kiến thắc mắc của nhân dân liên quan đến chính quyền sở tại. Qua trao đổi, các đồng chí lãnh đạo địa phương rất cám ơn Đoàn công tác, vì có những vấn đề ở cơ sở khi nhân dân có vướng mắc, mặc dù về cơ bản cán bộ xã giải thích đúng nhưng do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nên tính thuyết phục không cao, nhưng khi Đoàn công tác giải thích có căn cứ, thậm chí còn cho xem trực tiếp văn bản quy định của nhà nước thì nhân dân rất tin tưởng.

        

Mặt khác, nếu đợt trợ giúp pháp lý lưu động nào cũng được tổ chức một cách bài bản đúng tinh thần của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 09 năm 2008  của Bộ Tư pháp Hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý thì chắc chắn sự lan tỏa của công tác trợ giúp pháp lý với nhân dân sẽ rất nhanh chóng. Một đợt trợ giúp pháp lý lưu động hoàn toàn khác một đợt tuyên truyền văn bản pháp luật thuần túy. Ví dụ trong một đợt tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình thì Báo cáo viên sau khi trình bày xong các nội dung cơ bản xung quanh đạo luật này, nếu nhân dân có ý kiến thắc mắc gì thì cũng chỉ liên quan đến Luật Hôn nhân Gia đình mới được giải đáp, còn một đợt trợ giúp pháp lý lưu động thì nhân dân có thể đề nghị tư vấn, giải đáp các vấn đề mà họ có vướng mắc, cả những nội dung liên quan đến văn bản pháp luật mà Đoàn công tác phổ biến và các nội dung khác trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại. Tóm lại, nếu một đợt trợ giúp pháp lý lưu động được tổ chức bài bản thì tính hiệu quả, tính thiết thực, tính kinh tế chắc chắn là hơn một đợt phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật thần túy.

 

                                                                            Đào Dư Long

Xem thêm »