Nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế về trợ giúp pháp lý và giải pháp nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân

05/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong thể chế về trợ giúp pháp lý. Việc mở rộng diện đối tượng TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế.

 

1. Thực trạng người thuộc diện trợ giúp pháp lý và nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong thể chế về trợ giúp pháp lý. Việc mở rộng diện đối tượng TGPL nêu trên đã thể hiện rõ nét chính sách nhân văn, sự quan tâm toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế. Cụ thể, theo Luật Trợ giúp pháp lý (2017) có 14 nhóm đối tượng được TGPL, bao gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc hộ nghèo; (3) Trẻ em; (4) Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (5) Người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi; (6) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; (7) Người có khó khăn tài chính thuộc các nhóm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; và Người nhiễm HIV (Điều 7, Luật TGPL 2017).

Thực hiện Kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1767/QĐ-BTP ngày 27/10/2017), đến nay hầu hết các Sở Tư pháp đã thực hiện rà soát đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý tại địa phương mình. Báo cáo rà soát cho thấy, tại nhiều tỉnh người thuộc diện trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ rất cao (tại Đắc Nông ước tính tỷ lệ này là 98,5%, tại Lai Châu là 85%, tại Lạng Sơn là 94,4%, Yên Bái là 89%...).

Trợ giúp pháp lý đã có hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý đã có nhiều đóng góp cho chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có nhiều đổi mới, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, hiện thực hóa quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Cụ thể, số vụ việc trợ giúp pháp lý tăng lên hàng năm, đặcbiệt là vụ việc tham gia tố tụng. So với năm 2015 số vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2018 tăng 72%. Tuy nhiên, có thể thấy con số vụ việc mà các tổ  chức hiện TGPL tiếp nhận giải quyết chưa phản ánh hết nhu câu TGPL của người dân.

Hiện nay, chưa có số liệu chính xác về nhu cầu TGPL ở Việt Nam, tuy nhiên qua các dữ liệu về số lượng người được TGPL, dân số, số lượng án trên toàn quốc có thể nhận định nhu cầu TGPL của người dân là khá cao. Theo kết quả rà soát của các địa phương, số lượng người được TGPL là khoảng 40 triệu người, chiếm gần 40% dân số toàn quốc. Từ ngày 01/12/2017 đến ngày 30/11/2018, các Tòa án đã giải quyết được 499.013 vụ, việc[1]. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 là 16.882 vụ việc. Thực tế, hiện chỉ có khoảng 20% các vụ án hình sự trong cả nước có luật sư tham gia, trừ các vụ án hình sự bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo (luật sư chỉ định)[2]. Số liệu trên cho thấy, số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng trên toàn quốc còn hạn chế so với lượng án và số lượng người thuộc diện được TGPL. Như vậy, khả năng có thể còn nhiều người thuộc diện TGPL chưa tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ TGPL[3].

 Cụ thể tại một số địa phương như sau:

Tại Bạc Liêu, số người được TGPL là 447.857 người chiếm 51,1% dân số, số án trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 5.224 vụ. Do đó, dự kiến vụ việc có người được TGPL chiếm 51,1% số lượng án (2.664 vụ), trong khi đó số vụ việc TGPL bằng hình thứctham gia tố tụng thực hiện trong năm 2018 là 285 vụ việc.

Tại Bắc Ninh, số người được TGPL là 401.099 người chiếm 36% dân số, số án trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 6.017 vụ. Do đó, dự kiến vụ việc có người được TGPL chiếm 36% số lượng án (2.166 vụ), trong khi đó số vụ việc số vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng thực hiện trong năm 2018 là 63 vụ việc.

Tại Đồng Nai, số người được TGPL là 651.904 người chiếm 23,5% dân số, số án trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 16.347 vụ việc. Do đó, dự kiến vụ việc có người được TGPL chiếm 23,5% số lượng án (3.759 vụ) , trong khi đó số vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng thực hiện trong năm 2018 là 119  vụ việc.

Tại Ninh Bình, số người được TGPL là 471.654 người chiếm 49,5% dân số, số án trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 3.154 vụ việc. Do đó, dự kiến vụ việc có người được TGPL chiếm 49,5% số lượng án (1.561 vụ), trong khi đó số vụ việc TGPL bằng hình thứctham gia tố tụng thực hiện trong năm 2018 là 93 vụ việc

Báo cáo của Sở Tư pháp Hưng Yên nhận định yêu cầu về TGPL của người dân trên địa bàn tỉnh khá cao và TGPL là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội[4]. Báo cáo của UBND Nghệ An cho rằng kết quả khảo sát đã phản ánh nhu cầu TGPL trên thực tế của người dân rất cao, tại địa bàn 03 Chi nhánh có 1.011.912 người thuộc diện được TGPL (chiếm 32,6% dân số của tỉnh và chiếm trên 70% tổng số người được hưởng TGPL)[5];Báo cáo số 15/BC-TGPL ngày 20/11/2018 của Trung tâm Lai Châu cho biết đối tượng trợ giúp pháp lý rất lớn, nhu cầu ngày càng tăng[6];báo cáo của Trung tâm Lai Châu cho biết đối tượng trợ giúp pháp lý rất lớn, nhu cầu ngày càng tăng[7].

2. Hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người dân

Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá chính thức nào về nhận thức của người dân nói chung và người thuộc diện trợ giúp pháp lý nói riêng về trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, qua so sánh số liệu về số lượng người thuộc diện trợ giúp pháp lý, số vụ việc trợ giúp pháp lý do các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp nhận, thực hiện thì có thể nhận định nhận thức về trợ giúp pháp lý của người dân chưa cao, chưa biết về hoạt động trợ giúp pháp lý, quyền được trợ giúp pháp lý của mình để được giúp đỡ khi có nhu cầu. Đầu năm 2019, Ngân hàng thế giới thuê chuyên gia người Việt Nam thực hiện nghiên cứu định tính về trợ giúp pháp lý tại 4 xã ở tỉnh Điện biên và tỉnh Bắc Kan. Đối tượng tham vấn của nghiên cứu này bao gồm: người quản lý công tác trợ giúp pháp, người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ tư pháp huyện, cán bộ Hội phụ nữ, Tổ hòa giải; người dân thuộc các nhóm: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật (bao gồm người dân đã được trợ giúp pháp lý, người dân chưa sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý). Một trong những nội dung nghiên cứu có đề cập đến nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý. Qua nghiên cứu cho thấy có sự khác nhau trong nhận thức của người đã được TGPL và người chưa sử dụng dịch vụ TGPL.

Qua sự so sánh này, chúng ta có thể nhận thấy những người từng sử dụng dịch vụ TGPL hiểu đầy đủ, rõ ràng hơn về chức năng của tổ chức này. Người có hiểu biết đầy đủ hơn nhận ra được mình có thuộc diện được hưởng TGPL hay không, thậm chí xác định được rằng trợ giúp pháp lý là một quyền của công dân được pháp luật bảo vệ. Ở một phía khác, những người chưa từng sử dụng dịch vụ, họ hiểu TGPL một cách đơn giản, sơ lược. Theo cách đó, bất kỳ một tổ chức cơ quan nhà nước nào có thể giúp đem lại sự giải thích thỏa đáng cho người dân khi họ chưa hiểu rõ về các quy định pháp luật thì sự giải thích ấy đã mang hàm nghĩa trợ giúp pháp lý rồi. Tóm lại, trong cách hiểu của người dân từ người hiểu đơn giản cho đến người có hiểu biết đầy đủ, trợ giúp pháp lý theo nghĩa chung nhất là một thuộc tính có ở mọi cơ quan nhà nước, nơi thực hành các quy định của pháp luật. Mỗi cơ quan này đều có khả năng giải đáp cho họ những gì chưa rõ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Các cán bộ TGPL bày tỏ rằng đôi khi để người dân hình dung rõ hơn về công việc của cán bộ TGPL họ giải thích một cách đơn giản dễ hiểu với người dân rằng “chúng tôi làm việc như luật sư”, hoặc “chúng tôi là luật sư nhà nước để trợ giúp miễn phí cho người dân”. Bởi kinh nghiệm công tác của cán bộ TGPL chỉ cho họ thấy rằng hai từ “luật sư” dễ hiểu hơn với người dân. “Luật sư” gợi cho người dân liên tưởng đến ở các cuộc tranh tụng tại tòa, đó là người đứng ra bảo vệ thân chủ.

Nhiều người trong các bản dân tộc thiểu số không biết đến dịch vụ TGPL và càng không biết mình thuộc nhóm đối tượng được TGPL hay không. Trong hiểu biết thông thường của họ, TGPL là cái gì đó liên quan đến luật pháp. Họ tỏ ra khá thận trọng khi được đề nghị nêu ý kiến “cụm từ trợ giúp pháp lý” gợi ra cho họ suy nghĩ gì. Ý niệm về trợ giúp pháp lý với họ là một cái gì đó thuộc vấn đề pháp luật và hẳn nếu ai đó đang gặp rắc rối liên quan đến pháp luật mới cần được trợ giúp.

Người dân tộc thiểu số, đặc biệt nhóm phụ nữ, có tâm thế cố gắng tránh xa những rắc rối, đặc biệt là rắc rối nào đó liên quan đến pháp luật.

Khác với các cuộc thảo luận nhóm phụ nữ, các cuộc thảo luận nhóm nam giới tỏ ra cởi mở hơn. Cho dù phần đông những người tham dự trả lời không biết hoặc chưa từng nghe nói đến trợ giúp pháp lý, họ vẫn sẵn sàng nói ra cách nghĩ của mình về trợ giúp pháp lý là gì khi lần đầu tiên có người khác hỏi họ như vậy. Nam giới đưa ra nhiều ví dụ minh họa cho những tranh chấp có thể gặp phải trong đời sống.

Cũng tại một nghiên cứu của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện tại 9 tỉnh[8]cho thấy nhận thức pháp luật của người dân về pháp luật nói chung và TGPL nói riêng còn thấp. Nhiều người chưa thể tự tìm kiếm cho mình một sự bảo vệ, giúp đỡ nào cho những vướng mắc pháp luật của mình. Số liệu điều tra cho thấy số người thực tế thụ hưởng dịch vụ TGPL chiếm khoảng 15% số người thuộc diện TGPL.

Qua phân tích sơ bộ có thể nói đây cũng là một trăn trở của người làm công tác trợ giúp pháp lý. Về thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật đã ghi nhận dầy đủ quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo và các đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế. Nhà nước luôn cố gắng tạo ra các cơ ché để pháp luật được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, nhận thức về trợ giúp pháp lý đã là một trở ngại đối với việc thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của người dân.

3. Một số nguyên nhân

3.1. Trình độ dân trí của người dân

Trình độ dân trí của một số người thuộc diện được TGPL còn thấp (đặc biệt người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không biết nghe, nói, đọc, viết tiếng phổ thông[9] nên gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, thực hiện TGPL) (Yên Bái, Điện Biên,….), hiểu biết pháp luật chưa cao, tâm lý còn e ngại nên khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật không biết tìm đến Trung tâm, Chi nhánh để được trợ giúp pháp lý miễn phí[10]. Họ dành sự quan tâm nhiều hơn đến mưu sinh, ít có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý. Đối với những người đã thật sự vướng vào vòng lao lý (người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo)chúng ta cho rằng rất cần sự bảo vệ từ pháp luật, từ TGPL, tuy nhiên, qua báo cáo của một số địa phương nhiều người đã được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải thích nhưng chưa hiểu được quyền được TGPL của mình và không hiểu TGPL là gì[11]; Tỷ lệ mù chữ cao trong người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ không biết đọc, biết viết và thậm chí không biết nói tiếng Việt nên rất ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận và chia sẻ thông tin[12].

3.2. Truyền thông về TGPL chưa thật sự hiệu quả

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực, công tác truyền thông đã được chú trọng. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổ chức công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Công việc này cũng được quy định là nghĩa vụ của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

- Hoạt động truyền thông của cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý ở Trung ương

Ở Trung ương, Cục TGPL thực hiện truyền thông thông qua các bài viết trên website (của Bộ Tư pháp và Cục TGPL); bản tin trên chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật” của VOV Đài Tiếng nói Việt Nam; chuyên mục về TGPL trên Báo Pháp luật; phát hành tờ gấp giới thiệu về TGPL và cung cấp địa chỉ các Trung tâm trong toàn quốc để phát miễn phí đến người dân…Đặc biệt, để truyền thông về chính sách TGPL cũng như những nội dung cơ bản của Luật TGPL 2017, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự trên đài truyền hình Quốc hội, đài truyền hình Việt Nam; có nhiều chuyên mục, bài viết trên báo viết, báo nói...; phát hành số chuyên đề về Luật TGPL (sửa đổi) để phát cho các Bộ, ngành có liên quan, đại biểu Quốc hội và một số địa phương... Thực hiện các phóng sự về một số vụ việc phức tạp, điển hình phát sóng trên truyền hình Việt Nam.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đưa thông tin về TGPL đến người thuộc diện TGPL, các cơ quan, tổ chức có liên quan nói riêng và người dân nói chung, tuy nhiên, công tác truyền thông tại Trung ương thực hiện còn gặp một số khó khăn như: cán bộ làm công tác truyền thông của Cục TGPL còn mỏng, chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng về truyền thông thông qua những khóa đào tạo, tập huấn chuyên nghiệp, kinh phí dành cho hoạt động này hạn chế.

- Hoạt động truyền thông của Trung tâm trợ giúp pháp lý

Ở địa phương, các Trung tâm đã truyền thông trực tiếp thông qua các buổi TGPL về cơ sở hoặc truyền thông gián tiếp thông qua biên soạntờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật để phát cho cán bộ và nhân dân giới thiệu về TGPL; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng chuyên mục về TGPL trên báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử của tỉnh, thành phố; cung cấp, cập nhật các văn bản pháp luật về TGPL cho một số Sở, ngành, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, trong các đợt truyền thông TGPL ở cơ sở, một số Trung tâm/Chi nhánh phối hợp với Phòng Tư pháp và các tổ chức chính trị xã hội cấp xã (Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân) thực hiện.

Các Trung tâm trong toàn quốc đã cung cấp và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đặt hơn 4.000 Bảng thông tin, Hộp tin về TGPLtại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; niêm yết Tờ thông tin về TGPL trong Buồng tạm giam, tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận. Trung tâm cũng đã cung cấp mẫu đơn yêu cầu TGPL và các tài liệu có liên quan về TGPL cho người tiến hành tố tụng để kịp thời cung cấp cho người được TGPL.

Mặc dù các Trung tâm đã có nhiều nỗ lực truyền thông về TGPL nhưng còn một số hạn chế khiến người dân chưa tiếp cận đầy đủ với TGPL, cụ thể:

Thứ nhất, người thực hiện TGPL chưa có kỹ năng truyền thông và các phương thức truyền thông chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân tộc, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình...) nên các thông tin về TGPL chưa được truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo ấn tượng để người dân hiểu và lưu lại thông tin về TGPL để tìm đến khi cần[13]. Qua các đợt khảo sát tại địa phương và báo cáo của một số Trung tâm TGPL thì nhiều người dân đã được truyền thông giới thiệu về TGPL nhưng khi được hỏi họ không thể nhớ chính xác TGPL là gì, thậm chí có người đã từng được TGPL nhưng không nhớ.

Thứ hai, ngân sách địa phương cấp cho hoạt động TGPL còn hạn chế chủ yếu chi lương cho công chức, viên chức của Trung tâm, thù lao thực hiện vụ việc, các hoạt động nghiệp vụ, chi hành chính, công tác phí,... nên không thể bảo đảm để thực hiện tất cả các hoạt động TGPL như: truyền thông, lắp đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý, làm ảnh hưởng phần nào đến khả năng tiếp cận thông tin về TGPL của người dân.

Thứ ba, ở các tỉnh miền núi điều kiện đi lại khó khăn (khoảng cách từ Trung tâm tỉnh đến xã xa khoảng 200km[14]) thì việc tổ chức truyền thông về cơ sở rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Thứ tư, trong thời qua, các Trung tâm đã thực hiện rất nhiều vụ việc TGPL, trong đó có những vụ việc phức tạp, điển hình. Tuy nhiên, công tác truyền thông về TGPL nói chung và những vụ việc thành công chưa thật hiệu quả, chưa tạo dựng được nhiều ấn tượng cho người dân.

4. Một số đề xuất nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế về TGPL

4.1. Kết nối cán bộ tại cơ sở làm cầu nối giữa TGPL và người dân, tập huấn về TGPL cho đội ngũ cán bộ này

Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc kịp thời tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý và TGPL, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại địa bàn xã, phường, thị trấn, Nhà nước từng bước thiết lập và không ngừng hoàn thiện các thiết chế để người dân tiếp cận pháp luật và TGPL tại cơ sở, bởi lẽ khi người dân có vấn đề gì trong cuộc sống, đặc biệt vấn đề liên quan đến chính sách và pháp luật họ thường tìm đến các tổ chức gần gũi với họ nhất.

Hiện nay ở cấp cơ sở, có các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận trợ giúp pháp lý như: (1) Ủy ban nhân dân xã; (2) công chức tư pháp, hộ tịch; (3) Tổ hòa giải; (4 ) Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; (5) Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ; (6) Công an xã; (7) Hội Nông dân. Qua nghiên cứu cho thấy đây là một trong những kênh hiệu quả để giúp người dân tiếp cận TGPL.Thông qua các thiết chế này, có thể phát hiện nhu cầu TGPL và kịp thời thông tin, chuyểngửi vụ việccho các tổ chức thực hiện TGPL, đồng thời giải thích cho người dân hiểu về quyền được TGPL. Sau khi xây dựng mạng lưới này cần xây dựng tài liệu hướng dẫn và tập huấn về TGPL cho cán bộ hộ tịch xã, Công an xã, Tổ viên Tổ hòa giải, Già làng, trưởng bản, chi hội phụ nữ xã, thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ hợp tác xã, Cán bộ Hội nông dân...

Để các chủ thể này giới thiệu thông tin về TGPL cho người dân, cần tập huấn, trang bị cho họ những kiến thức, thông tin về TGPL giúp họ hiểu được công việc TGPL là gì, người thực hiện TGPL là ai, trình tự, thủ tục người dân cần thực hiện để được TGPL.... Từ những kiến thức được tập huấn đội ngũ cán bộ này sẽ giúp người dân tại cơ sở biết được thông tin về TGPL. Ngoài ra, khi đã có sự kết nối với tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL đội ngũ cán bộ này sẽ giúp chuyển thông tin về yêu cầu đến tổ chức TGPL một cách kịp thời.

4.2. Đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông về TGPL

Truyền thông trong TGPL giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về TGPL đến với người dân, là một yếu tố quan trọng giúp người dân tiếp cận và trực tiếp thụ hưởng quyền của mình được pháp luật quy định. Từ những hạn chế của công tác truyền thông như phân tích nêu trên, một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác truyền thông như sau:

- Đa dạng hóa các phương thức truyền thông về TGPL (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet,...) phù hợp với từng đặc thù địa bàn, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là phù hợp với nhóm người dân tộc thiểu số, chẳng hạnxây dựng video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật.Đối với những vùng có trình độ dân trí cao hơn thì có thể xây dựng phần mềm hỏi đáp về TGPL, người dân có thể tải về điện thoại; có thể thông tin về số điện thoại liên lạc, địa chỉ tổ chức TGPL cho người dân địa phương qua tin nhắn điện thoại. Có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin, đại chúng.

- Cung cấp đầy đủ Bảng tin, hộp tin TGPL đặt tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Tại tạm giam, nhà tạm giữ.

- Dịch tờ gấp pháp luật, các luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân sang tiếng dân tộc thiểu số (đối với những nơi người dân tộc thiểu số có chữ viết và biết đọc)

- Vẽ tranh/diễn kịch giới thiệu về TGPL

- Xây dựng các bảng thông tin về TGPL đặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà sinh hoạt thôn

- Thực hiện phóng sự truyền thông về các vụ việc thành công phát trên các phương tiện thông tin ở Trung ương và tại các địa phương có vụ việc

- Cử người thực hiện TGPL trực tại một số cơ quan tiến hành tố tụng, Ủy ban nhân dân xã để tiếp nhận và thực hiện TGPL cho người dân.

Bình An

Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp

 

 

[1] Nguồn: https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAN....

[2]http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=416261

[3] Báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2018 của các địa phương Phú Thọ, Tây Ninh, Hải Phòng, Hồ Chí Minh,... phản ánh số vụ việc tham gia tố tụng còn ít so với số đối tượng thuộc diện TGPL và số vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết.

[4] Báo cáo số 1289/STP-TGPL ngày 19/11/2018 về việc rà soát Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Hưng Yên

[5] Báo cáo số 187/BC-UBND ngày 01/4/2019 kết quả rà soát hoạt động các Chi nhánh của Trung tâm Nghệ An.

[6] Báo cáo số 15/BC-TGPL ngày 20/11/2018 của Trung tâm Lai Châu.

[7] Báo cáo số 15/BC-TGPL ngày 20/11/2018 của Trung tâm Lai Châu.

[8]Cao Bằng, Bắc Kạn, thái nguyên, Đắc lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Long an, Đồng tháp, Cần Thơ

[9]Báo cáo nghiên cứu năm 2013 của viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển đánh giá nhu cầu và năng lực tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 4 nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương; người lao động di dư, người sống chung với HIV; người dân tộc ít người, người khuyết tật

 

[10]Báo cáo công tác năm 2018của các Trung tâm TGPL tỉnhHà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum..).;

[11] Tham luận của Trung tâm TGPL Yên Bái tại Hội nghị tham vấn về TGPL ngày 8/5/2019 tại Yên Bái

[12]Báo cáo nghiên cứu năm 2013 của viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển đánh giá nhu cầu và năng lực tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 4 nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương; người lao động di dư, người sống chung với HIV; người dân tộc ít người, người khuyết tật, Bc năm 2018 của Trung tâm Đắk Lắk

 

[13]báo cáo khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2016 cho biết Một đại diện Hội Nông dân huyện Ba bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết kỹ năng truyền đạt hạn chế dẫn đến người dân không nắm được nội dung tuyên truyền

[14] Tham luận của Trung tâm TGPL tỉnh Lai Châu tại Hội nghị tham vấn về TGPL tại Yên Bái ngày 08/5/2019

 

Xem thêm »