Kết quả triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai

05/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao hiểu biết về pháp luật cho bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội thường ngày, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TGPL sửa đổi, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý tới tất cả các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý. Luật TGPL năm 2017 còn thể hiện rõ công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng và những người là người thân của họ và chính sách đối với những người dưới 18 tuổi bị buộc tội phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Đây là một trong những Luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý 2017 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngày 26/12/2017  UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND, trên cơ sở đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng Kế hoạch công tác trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt, đồng thời chủ động nghiên cứu, nắm bắt nội dung hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 và Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017. Từ đó, triển khai thực hiện tới tất cả các phòng nghiệp vụ, các chi nhánh trên địa bàn chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo qua các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, đồng thời tổ chức tốt các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý về tới các thôn, bản vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nâng cao năng lực và kỹ năng TGPL.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án mua bán trái phép chất ma túy huyện Văn Bàn

Với Kế hoạch đã đặt ra, quá trình thực thi Luật TGPL 2017 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai tiếp nhận và giải quyết kịp thời 1.175 yêu cầu TGPL cho bà con, bao gồm các lĩnh vực pháp luật: hình sự 420 vụ, dân sự 732, hành chính khiếu nại 07 vụ, dân sự khác 16 vụ. Với tổng số đối  tượng được trợ giúp pháp lý là 1.210 người trong đó: người thuộc hộ nghèo 40, người có công 10, trẻ em 33, người bị nhiễm HIV 01, người dân tộc thiểu số là 1.081, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi 15, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo 09, người cao tuổi 02, người khuyết tật 03, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự 11, nạn nhân bị mua bán 05. Thực hiện tư vấn pháp luật xong 676/676 vụ việc (100%), đại diện, bào chữa và đại diện ngoài tố tụng 499/499 vụ việc, còn 90 vụ (18%) đang thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố. Tỉ lệ giải quyết đạt 82% so với tổng số yêu cầu tiếp nhận.

Để có được kết quả nêu trên phải kể đến công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng liên ngành trong hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018, trong đó, số vụ việc do cơ quan Cảnh sát điều tra, an ninh điều tra liên hệ (khoảng 65% vụ), Viện kiểm sát và Tòa án Nhân dân từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố (khoảng 30% vụ), và một phần nhỏ là do các đối tượng trực tiếp yêu cầu, góp phần hoàn thành tốt định mức chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của các trợ giúp viên pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành.

Theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính Phủ về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016- 2020, Trung tâm đã tham mưu giúp Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 06/01/2017 và triển khai thực hiện tới địa bàn từng thôn, bản nghèo và đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, Trung tâm và các Chi nhánh đã tổ chức được 274 đợt truyền thông về tới địa bàn 273 thôn, bản với hơn 12.600 người tham dự. Qua các đợt truyền thông, Trung tâm và các Chi nhánh đã tuyên truyền và phổ biến tới bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số các quy định của Luật TGPL năm 2017, về những đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước, về người thực hiện TGPL, phạm vi, lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Trung tâm còn phổ biến thêm các quy định về xử lý hình sự với hành vi Mua bán người, quy định của luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn, ly hôn; các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật hiện hành…

Buổi truyền thông tại thôn Lồ Sử Thàng, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương

Bên cạnh đó, Trung tâm còn duy trì tốt thông tin về TGPL cho các đối tượng được TGPL thông qua các bảng tin TGPL tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND các xã, thị trấn, các đồn biên phòng và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn các huyện; Cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL và cấp phát tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung phong phú; Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thành phố và các huyện phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành, về hoạt động của Trung tâm và chi nhánh, cung cấp các tình huống pháp luật thực tế trong chuyên mục hỏi đáp pháp luật.

Công tác đào tạo, tập huấn cũng được chú trọng, Trung tâm đã xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức thành công 01 lớp tập huấn cho 90 người thực hiện TGPL là các cộng tác viên và chuyên viên pháp lý tại thị trấn Sa Pa.

Đối với đội ngũ người thực hiện TGPL, Luật TGPL năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, bổ sung tiêu chuẩn tập sự đối với Trợ giúp viên trước khi cung cấp dịch vụ TGPL, do vậy, trong thời gian qua, Trung tâm đã cử 06 chuyên viên có đủ điều kiện tham dự các lớp đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức và cử trợ giúp viên có kinh nghiệm hướng dẫn tập sự TGPL để duy trì và phát triển đội ngũ trợ giúp viên.

Công tác triển khai thực thi Luật TGPL 2017 vẫn còn một số vướng mắc, việc lựa chọn, ký hợp đồng với Luật sư, với các tổ chức hành nghề Luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đã được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa có luật sư hay tổ chức nào ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Quá trình triển khai các hoạt động gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp. Mong rằng các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và những đối tượng yếu thế trong xã hội có nhiều cơ hội được tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do dân và vì dân./.

 

Nguyễn Thị Mai Hương

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai

 

 

 

Xem thêm »