Hà Nội: Trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng

12/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác quý III năm 2014, ngày 12/8/2014 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội đã phối hợp với Tư pháp huyện Đan Phượng, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Thọ An tổ chức một đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân trên địa bàn toàn xã.

Đợt trợ giúp pháp lý lưu động chia làm hai phần chính. Phần một, đại diện của Đoàn trợ giúp là Luật sư Nguyễn Văn Nghi giới thiệu những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Đất đai năm 2013. Về Hiến pháp năm 2013, Báo viên tập trung vào những nội dung chủ yếu như: sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp 1992, chế độ chính trị, quyền con người… Về Luật Đất đai năm 2013 Báo cáo viên tập trung vào các nội dung cơ bản như: Thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại và tranh chấp đất đai; thu tiền sử dụng đất….

Phần hai, Đoàn trợ giúp chia thành các bàn tư vấn trực tiếp cho người được trợ giúp pháp lý có yêu cầu. Kết quả Đoàn đã trực tiếp tư vấn được 11 vụ việc, trong đó có 9 vụ việc đất đai; 01 vụ việc hôn nhân gia đình; 01 vụ việc khác. Tất cả các thắc mắc của người được trợ giúp pháp lý đều được Đoàn tư vấn, hướng dẫn, giải đáp một cách rõ ràng, cụ thể.

Theo ông Trần Văn Quý, Trưởng phòng nghiệp vụ Hình sự-Hành chính của Trung tâm trợ giúp pháp Hà Nội thì lúc đầu, khi tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động không hiệu quả như bây giờ. Qua học hỏi kinh nghiệm và tìm tòi kiểm nghiệm từ thực tiễn, cuối cùng nhận thấy cách thức tổ chức một đợt trợ giúp pháp lý lưu động như hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp. Cũng theo ông Quý , với địa bàn Hà Nội nếu xuống cơ sở không dành một thời lượng nhất định để giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến nhân dân mà chia thành các bàn tư vấn ngay thì rất ít có người được trợ giúp pháp lý đến hỏi. Như vậy hiệu quả một đợt trợ giúp pháp lý lưu động sẽ không cao.

                             

Có thể nói, cùng là một đợt trợ giúp pháp lý lưu động nhưng cách thức tổ chức ở mỗi địa phương cũng có những đặc thù riêng. Có địa phương thì sau khi tập hợp các câu hỏi của người được trợ giúp pháp lý thì giải thích trực tiếp tại hội trường cho tất cả mọi người cùng biết. Ưu điểm của cách này là một người hỏi nhưng qua trả lời của Đoàn trợ giúp pháp lý thì nhiều người biết. Nhược điểm là có những vấn đề riêng tư người được trợ giúp pháp lý không muốn công khai nên nếu có vướng mắc thì họ cũng không hỏi. Hoặc có những địa phương trước buổi trợ giúp pháp lý lưu động dành thời lượng khoảng 15 đến 20 phút giao lưu văn nghệ, hoặc kết hợp trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động Đoàn trợ giúp pháp lý phối hợp với cán bộ tư pháp-hộ tịch xã làm thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn miễn phí cho trẻ em trên địa bàn…

                                                                                      Đào Dư Long

Xem thêm »