Kết quả thực hiện Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

06/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020; thời gian quan, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động TGPL cho người khuyết[1] và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, kịp thời đáp ứng nhu cầu TGPL của đối tượng là người khuyết tật, giúp họ tiếp cận và thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội trong việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống.

Những kết quả đã đạt được

Về công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch: Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chính sách TGPL cho người khuyết tật của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012) và Bộ Tư pháp (Quyết định số 3888/QĐ-BTP ngày 18/12/2012 và Quyết định số 640/QĐ-BTP ngày 21/3/2014), Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã chủ động tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng 02 Kế hoạch triển khai thực hiện Chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2013 và năm 2014 trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành (Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 10/01/2013 và Kế hoạch số 1692/KH-UBND ngày 29/4/2014). Đồng thời, trong năm 2013, Trung tâm đã trực tiếp tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Công văn số 71/STP-TGPL ngày 05/2/2013 và Công văn số 261/STP-TGPL ngày 16/5/2013 về việc phối hợp thực hiện Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Về tổng số vụ việc và số người khuyết tật được TGPL: Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã thực hiện 52 vụ việc TGPL cho 52 đối tượng là người khuyết tật (02 vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng và 50 vụ việc TGPL bằng hình thức tư vấn); trong đó, lĩnh vực đất đai 15 vụ, lĩnh vực chế độ chính sách 17 vụ, lĩnh vực hôn nhân và gia đình 06 vụ, lĩnh vực dân sự 09 vụ và 05 vụ thuộc lĩnh vực khác.

Về công tác truyền thông, thông tin về TGPL: Nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận và thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí, Trung tâm đã đặt 35 Bảng thông tin về TGPL tại các cơ quan, tổ chức có người khuyết tật; biên soạn và cấp phát miễn phí 15.000 tờ gấp pháp luật và 7.084 cuốn sách hỏi đáp pháp luật về người khuyết tật.

Về công tác tập huấn và TGPL lưu động: Đầu năm 2014, trên cơ sở nguồn kinh phí cấp cho hoạt động TGPL đối với người khuyết tật, Trung tâm TGPL phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công 01 lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho người khuyết tật với 120 cộng tác viên TGPL tham gia. Bên cạnh đó, trong 06 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với UBND các huyện, các Hội của người khuyết tật tổ chức lồng ghép 06 đợt TGPL lưu động về cơ sở cho người khuyết tật với các chương trình TGPL khác do Quỹ TGPL hỗ trợ (theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg), qua đó trực tiếp tư vấn pháp luật cho 35 đối tượng là người khuyết tật.

Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác TGPL cho người khuyết tật thời gian vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như:

Thứ nhất, nhiều người khuyết tật chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không thể tiếp cận với dịch vụ này do hoạt động truyền thông chưa sâu rộng, quanh năm họ chỉ quanh quẩn ở môi trường hạn hẹp, các dạng tật phức tạp (như điếc thường đi kèm với câm) nên rất khó để giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ pháp lý cho họ.

 Thứ hai, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc của Trung tâm còn thiếu thốn, hạn chế: Trụ sở làm việc và phòng tiếp dân chưa thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận; kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật (trợ giúp pháp lý lưu động, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ...) còn rất khó khăn. 

Thứ ba, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý) trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, chưa am hiểu ngôn ngữ của người khuyết tật nên gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp và tiến hành trợ giúp pháp luật cho đối tượng này.

 Thứ tư, các tổ chức của người khuyết tật chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tìm hiểu nhu cầu trợ giúp pháp lý cho họ khi cần thiết. 

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến

Để đảm bảo quyền được TGPL của người khuyết tật khi có yêu cầu, trong thời gian đến, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho người khuyết tật theo Kế hoạch số 1692/KH-UBND ngày 29/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh năm 2014 và Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 23/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 – 2015 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

 

Xây dựng và lắp đặt Bảng tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại trụ sở Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; In ấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp và sách pháp luật để cấp phát miễn phí cho người khuyết tật với các nội dung như: Tuyên truyền, thông tin về chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật và các quyền khác mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật; Xây dựng nội dung trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong các chuyên trang, chuyên mục chung về trợ giúp pháp lý trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo các Chương trình, Kế hoạch về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật của UBND tỉnh; Thực hiện trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác) cho người khuyết tật tại trụ sở Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm khi có yêu cầu...

PTQ

[1] Tham mưu xây dựng các Chương trình, Kế hoạch TGPL cho người khuyết tật; đẩy mạnh công tác truyền thông thông tin về TGPL cho người khuyết tật; thực TGPL cho người khuyết tật bằng hình thức: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; TGPL lưu động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ TGPL,...

 

Xem thêm »