Ngày 30/3/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Sau 10 năm triển khai thực hiện, các luật sư đã có đóng góp không nhỏ đối với công tác trợ giúp pháp lý
Kết quả cụ thể như sau:
1. Về số lượng luật sư, vụ việc TGPL do luật sư tham gia trợ giúp pháp lý[1] thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý tính từ 2009 đến hết tháng 12/2018
STT |
Năm |
Số lượng luật sư tham gia TGPL |
Số lượng vụ việc TGPL do luật sư thực hiện |
1 |
2009 |
1.029 luật sư |
1.548 vụ việc |
2 |
2010 |
1.019 luật sư |
11.888 vụ việc |
3 |
2011 |
1.081 luật sư |
10.466 vụ việc |
4 |
2012 |
1.033 luật sư |
11.373 vụ việc |
5 |
2013 |
985 luật sư |
16.646 vụ việc |
6 |
2014 |
Theo Thông tư số 20/2013/TT-BTP (không có biểu tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện TGPL) |
16.206 vụ việc |
7 |
2015 |
16.436 vụ việc |
8 |
2016 |
1.021 luật sư |
16.082 vụ việc, trong đó có 2.011 vụ việc tham gia tố tụng |
9 |
2017 |
997 luật sư |
14.542 vụ việc, trong đó có 2.215 vụ việc tham gia tố tụng |
10 |
2018 |
1.087 luật sư |
9.707 vụ việc, trong đó có 2.129 vụ việc tham gia tố tụng |
Tổng |
124.894 vụ việc |
2. Về số lượng tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý
Triển khai Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến ngày 31/12/2018, có 99 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý[2] (trong đó có 27 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và 72 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp).
3. Đóng góp của luật sư Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý
Liên đoàn Luật sư Việt Namvà các tổ chức trực thuộc luôn tích cực tham gia góp ý, tổ chức các hội nghị, hội thảo để có những ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật, đề án, chiến lược, kế hoạch về trợ giúp pháp lý bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh) luôn phối hợp, cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý,…) góp phần xây dựng các quy định khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và kinh nghiệm của các nước đối với việc tham gia trợ giúp pháp lý của các luật sư.
4. Vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các luật sư, Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công tác trợ giúp pháp lý
Trong thời gian qua, luật sư và các tổ chức chủ quản của luật sư đã đóng góp vai trò không nhỏ trong công tác trợ giúp pháp lý, điều này được phản ánh qua số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý do các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc theo sự phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý các luật sư đã phối hợp với các Trợ giúp viên pháp lý (đối với các vụ việc được phân công từ 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên) để có những bào chữa, luận cứ sắc bén để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, qua đó thể hiện được sự công minh của pháp luật, góp phần tạo niềm tin của người dân về chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước.
Trong các đợt tập huấn, hội thảo, hội nghị, các luật sư và tổ chức chủ quản của luật sư đều nhiệt tình tham gia và phát biểu ý kiến xây dựng. Ngoài ra, các luật sư có uy tín, kinh nghiệm còn thường xuyên phối hợp, tham gia giảng dạy tại các lớp kỹ năng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi được Cục Trợ giúp pháp lý hoặc các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước mời.
Nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của luật sư, Đoàn luật sư trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư, trong đó quy định rõ các nội dung phối hợp (trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, văn bản liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư; trong giới thiệu và thực hiện trợ giúp pháp lý; trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý; phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư). Căn cứ vào Quy chế phối hợp này, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố phối hợp hoặc chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình phối hợp với Đoàn luật sư xây dựng quy chế phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý với những hoạt động cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đến nay, đã có 17 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp và triển khai có hiệu quả ở địa phương.
5. Tồn tại, hạn chế
- Số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL còn hạn chế so với số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc, cụ thể: 1.087 luật sư tham gia TGPL trên tổng số 13.141 luật sư trên toàn quốc (chiếm khoảng 8,2%); 99 tổ chức tham gia TGPL trên tổng số 4.167[3] tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc (chiếm khoảng 2,4%).
- Một số luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL còn chưa nhiệt tình, dành nhiều thời gian thực hiện TGPL. Đôi lúc, đôi khi việc đăng ký tham gia TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư còn mang tính hình thức, chưa có nhiều vụ việc TGPL. Một số ít vụ việc TGPL còn cử luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia dẫn tới vụ việc đạt chất lượng chưa cao.
6. Đề xuất, kiến nghị
Nhằm đẩy mạnh việc tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong thời gian tới, đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam:
- Chủ động, phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
- Chỉ đạo các Đoàn Luật sư chủ động phối hợp trong việc giới thiệu, chuyển gửi đối tượng được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý trên địa bàn; phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước triển khai có hiệu quả các hoạt động đã nêu trong Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN như góp ý các văn bản, đề án, kế hoạch liên quan tới trợ giúp pháp lý, phối hợp về truyền thông,…
- Tạo điều kiện cho các Đoàn luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý; khuyến khích luật sư tham gia trợ giúp pháp lý để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng, tránh mang tính hình thức; rút kinh nghiệm đối với các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý mang tính hình thức hoặc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý chưa đạt chất lượng (nếu có).
Trần Phượng
Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý
[1] Khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định:
“1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
a) Trợ giúp viên pháp lý;
b) Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
c) Tư vấn viên pháp lật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
d) Cộng tác viên trợ giúp pháp lý”.
[2] Điều 12 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định:
“1. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
2. Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này”.
[3] Số liệu tham khảo kèm theo dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019.