Bình Thuận: Tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

05/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 07/10/2014, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng từ tháng 8/2013 đến nay. Tham dự Hội nghị có Đồng chí Hồ Ngọc Được, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị, các thành viên trong Hội đồng và Tổ giúp việc của Hội đồng.

Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Trung tâm Trợ giúp pháp lý báo cáo sơ kết tình hình hoạt động của Hội đồng từ khi Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực thi hành. Nhìn chung, công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được các cấp, các ngành chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ. Các thành viên Hội đồng thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện các hoạt động phối hợp đạt nhiều kết quả, đáp ứng được yêu cầu tại địa phương. Hội đồng phối hợp liên ngành và Tổ giúp việc được kiện toàn kịp thời. Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể.

Hội đồng phối hợp liên ngành mà đầu mối là Sở Tư pháp đã tích cực chỉ đạo mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ năng lực, trình độ tham gia vào quá trình tố tụng nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí. Các cơ quan, người tiến hành tố tụng đã giải thích quyền và nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng, quyền được trợ giúp pháp lý cho những người thuộc diện trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc thân nhân đến với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh của Trung tâm để yêu cầu trợ giúp. Quan hệ giữa Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều thuận lợi. Các thủ tục để người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được giải quyết nhanh chóng.

Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng, đến nay đã cử trợ giúp viên pháp lý, Luật sư - cộng tác viên thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 67 đối tượng qua các giai đoạn tố tụng. Chất lượng tham gia tố tụng không ngừng được cải thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý. Qua thẩm định, đánh giá 100% vụ việc đều đạt yêu cầu theo tiêu chí đặt ra. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần cùng cơ quan tiến hành tố tụng nâng cao tính khách quan khi giải quyết vụ việc, bảo đảm đúng pháp luật, hạn chế những khiếu nại không cần thiết.      

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng vẫn còn tồn tại một số hạn chế: số đối tượng được cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý chưa nhiều; việc quán triệt Thông tư liên tịch số 11/TTLT có triển khai tại các cơ quan phối hợp liên ngành nhưng chưa sâu; hoạt động của Hội đồng chưa đồng đều… Do vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Hội đồng.

Để khắc phục được những tồn tại hạn chế đó, tại cuộc họp, các thành viên cũng đã trao đổi, thảo luận, nêu lên những ý kiến, đánh giá, đưa ra một số giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao kết quả hoạt động của Hội đồng. Đồng thời, Hội nghị đã tiến hành thảo luận, góp ý vào Quy chế hoạt động của Hội đồng tạo nền tảng pháp lý và cơ sở cho hoạt động của Hội đồng đi vào nề nếp.  

Kết luận Hội nghị đ/c Hồ Ngọc Được - Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong thời gian qua, đồng chí đề nghị cần tiếp tục quán triệt Thông tư liên tịch số 11/TTLT đến từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan phối hợp liên ngành; tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng; kịp thời bổ sung, kiện toàn đầy đủ thành viên trong Tổ giúp việc của Hội đồng và sớm ban hành mới quy chế hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền của từng ngành và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả hoạt động cho Hội đồng; mở rộng đối tượng tham gia cộng tác viên trợ giúp pháp lý là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để không bỏ sót đối tượng được trợ giúp miễn phí./.

Phương Thảo

Xem thêm »