Công tác Trợ giúp pháp lý với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

11/11/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nông thôn là nơi sinh sống của một bộ phận dân cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nước ta hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân cư đang sống ở nông thôn. Phát triển nông nghiệp nông thôn đã, đang và sẽ còn là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là: “Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại”

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nội dung chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là: xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính tổng hợp, sâu, rộng, có nội dung toàn diện bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng. Mục tiêu chung của chương trình được Đảng ta xác định là: xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

          Triển khai Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính Phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 31/2012/NQ-HĐND ngày 12/10/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định cơ chế tài chính đầu tư thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020 và Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch số 19/KH-STP ngày 04/5/2012 về thực hiện phong trào thi đua ngành Tư pháp chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

          Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức và phương thức trợ giúp pháp lý đa dạng như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, hòa giải… đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh và tất cả các xã, phường, thị trấn còn lại. Ngoài ra, Trung tâm còn cử chuyên viên, Trợ giúp viên pháp lý phối hợp với Ủy ban nhân dân, các ban ngành, đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn thành lập mới và duy trì có hiệu quả nề nếp việc sinh hoạt định kỳ của 36 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Thông qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền pháp luật dưới hình thức báo cáo các chuyên đề pháp luật cho hàng ngàn lượt người dân, đặc biệt là các chuyên đề về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chuyên đề pháp luật gần gủi thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của người dân, tiêu chí xây dựng nông thôn mới,… Từng bước nâng cao nhận thức về mặt pháp luật cho người dân nói chung và nhận thức về xây dựng nông thôn mới nói riêng. Từ đó mỗi người dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, xác định được mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới là nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

          Có thể nói, Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang từng bước tác động mạnh đến đời sống nhân dân, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Qua đó, góp phần vào thay đổi diện mạo nông theo hướng ngày càng hiện đại và văn minh.

         

                                                       Thanh Trúc

                                                 Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Tiền Giang

Xem thêm »