Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Nhìn lại 5 năm triển khai Thông tư liên tịch về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụngThông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng được ban hành ngày 29/6/2018. Thông tư có nhiều điểm mới quan trọng, tạo cở sở pháp lý cho việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và Trung tâm TGPL trong việc giúp người dân tiếp cận với TGPL và thụ hưởng dịch vụ này khi có nhu cầu. Việc tiếp cận sớm với TGPL giúp người dân có cơ hội được tư vấn, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ việc của họ. Qua gần 5 năm triển khai Thông tư, đến nay với sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo của các Trung tâm TGPL, công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng đã có nhiều kết quả đáng mừng.1. Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10; xây dựng, ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn… trong từng ngành thành viên
Triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, ngày 28/12/2018, HĐPHLN Trung ương ban hành Quyết định số 3148/QĐ-HĐPH triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, đồng thời, các thành viên HĐPHLN Trung ương đã kịp thời có các công văn chỉ đạo[1]. Ở các địa phương, HĐPHLN luôn bám sát các mục tiêu, kế hoạch hoạt động của HĐPHLN Trung ương, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo kịp thời, triển khai thực hiện nghiêm túc dưới nhiều hình thức (công văn hướng dẫn, chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra hoạt động phối hợp…). Triển khai thực hiện Quyết định số 3148/QĐ-HĐPH ngày 28/12/2018 của HĐPHLN Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, 100% HĐPHLN địa phương đã ban kế hoạch triển khai tại địa phương. Căn cứ hướng dẫn của các ngành thành viên ở Trung ương, một số thành viên HĐPHLN địa phương ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nghiêm túc các quy định Thông tư liên tịch số 10 . Trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của HĐPHLN và Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương luôn duy trì mối quan hệ thường xuyên với các thành viên của HĐPHLN để nắm bắt tình hình, theo dõi, hướng dẫn, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 cũng như đánh giá việc thực hiện để đề ra các giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn địa phương.
Ở Trung ương: hàng năm, HĐPHLN Trung ương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành[2] ở đại diện các vùng, miền, các địa phương có kinh nghiệm, cách làm hay để chia sẻ cho các địa phương khác, lựa chọn kiểm tra các địa phương còn tồn tại, hạn chế để giải quyết những khó khăn của địa phương, hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phối hợp ở các địa phương này.
Ở địa phương: HĐPHLN địa phương đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp tại địa phương, hàng năm triển khai việc kiểm tra theo dõi, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 tại cấp huyện của Hội đồng. Mỗi địa phương lựa chọn một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ… để thực hiện việc kiểm tra hàng năm (chi tiết tại Phụ lục II).
Để thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, năm 2021, HĐPHLN Trung ương không tổ chức các đoàn trực tiếp đi kiểm tra mà yêu cầu các địa phương dự kiến kiểm tra theo Kế hoạch năm 2021 (Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Lâm Đồng) tự kiểm tra và báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp. Cuối năm 2020 và năm 2021 nhiều địa phương đã đề nghị các đơn vị được kiểm tra theo kế hoạch từ đầu năm tự kiểm tra và gửi báo cáo về HĐPHLN địa phương. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị được kiểm tra ở cấp huyện, HĐPHLN địa phương kịp thời nắm bắt công tác phối hợp, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai phối hợp. Thông qua các đợt kiểm tra hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn kiểm tra đã biểu dương kịp thời các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp thực hiện các nội dung theo thẩm quyền quy định tại Thông tư liên tịch số 10.
Qua theo dõi, HĐPHLN Trung ương nhận thấy công tác kiểm tra của Hội đồng Trung ương cũng như địa phương đã giúp nắm bắt thực tế việc thực hiện trách nhiệm phối hợp của các đơn vi được kiểm tra. Qua kiểm tra nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời, đồng thời, qua đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các ngành thành viên tại địa phương cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Phối hợp giữa các ngành thành viên của HĐPHLN ở Trung ương
Để tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận TGPL cho người bị buộc tội, đương sự, bị hại tại Tòa án, ngày 19/5/2022, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án. Triển khai Chương trình này, một số Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình phối hợp. Tính đến nay, 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết chương trình/kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Một số địa phương triển khai việc trực tại trụ sở Tòa án: tại Ninh Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TGPL của người dân, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm TGPL nhà nước bố trí bàn trực TGPL đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Kiên Giang, Trung tâm TGPL nhà nước đã cử người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân tỉnh... Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã dự thảo kế hoạch/chương để triển khai ký kết trong thời gian tới. Ở một số địa phương, trụ sở Tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất để bố trí người thực hiện TGPL trực tại Tòa thì Tòa án thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước các thông tin về người thuộc diện TGPL qua điện thoại.
Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Với các quy định của Thông tư liên tịch này về đặt điểm cầu tại Trung tâm TGPL nhà nước sẽ giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước cũng như người bị hại, đương sự là người được TGPL thuận lợi hơn trong việc tham gia phiên toà trực tuyến, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này, Bộ Tư pháp đã có 02 văn bản[3] gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm TGPL nhà nước tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến. Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tham gia phiên tòa trực tuyến, tính đến ngày 30/11/2022, có 01 tỉnh (Hà Nam) được bố trí trang thiết bị, có 19 tỉnh đã bố trí được phòng họp riêng, có 41 tỉnh đã lập dự toán kinh gửi Sở Tài chính (Hà Tĩnh và Hà Nam đã được cấp kinh phí); có 22 Trung tâm TGPL đã tham gia thí điểm phiên tòa xét xử trực tuyến do Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan công an, giúp người bị buộc tội, bị hại, đương sự… thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm trong giai đoạn thụ lý vụ án từ giai đoạn điều tra, Cục TGPL đang phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nghiên cứu xây dựng Chương trình người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Mặc dù văn bản này chưa hoàn thiện (đang dự thảo) nhưng một số địa phương Sở Tư pháp đã chủ động ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh ban hành Chương trình/quy chế trực kết nối trong tố tụng hình sự (Quảng Trị, Bạc Liêu, Cần Thơ, Ninh Thuận, Tuyên Quang...).
3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp của Trung tâm TGPL nhà nước
Thực hiện nhiệm vụ quy định tại Thông tư liên tịch số 10, với vai trò là đơn vị giúp việc trực tiếp cho cơ quan thường trực của HĐPHLN ở địa phương, Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động tham mưu các chương trình, kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10 và các biện pháp cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập. Từ 2019-2021, Trung tâm TGPL nhà nước đã phối hợp, kịp thời cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng 10.237 Bảng thông tin về TGPL, 146.443 Tờ thông tin về TGPL, 1.820 Hộp thông tin về TGPL (chi tiết tại Phụ lục IV). Bên cạnh việc cung cấp mẫu Đơn yêu cầu TGPL, mẫu Biên bản giải thích về quyền được TGPL, mẫu Thông báo, Thông tin về TGPL và Sổ theo dõi về TGPL trong hoạt động tố tụng… đến các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin, yêu cầu TGPL cho người bị buộc tội, người bị hại, đương sự và lưu hồ sơ vụ án, Trung tâm còn cung cấp danh sách và số điện thoại của người thực hiện TGPL để người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên hệ khi có vụ việc/người thuộc diện được TGPL.
Trung tâm TGPL là đầu mối liên hệ, trao đổi thông tin với các cơ quan, ban ngành và các cơ quan có liên quan đến hoạt động của HĐPHLN và là cơ quan phối hợp trực tiếp, chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, giới thiệu người được TGPL và cử người thực hiện TGPL. Trung tâm TGPL chủ động, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; đồng thời nắm bắt ý kiến phản hồi, thông tin liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chất lượng vụ việc TGPL, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện TGPL.
4. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng
Về cơ bản các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng quy định tại Thông tư liên tịch số 10, cụ thể:
- 100% các cơ quan tiến hành tố tụng đã niêm yết Bảng thông tin về TGPL, đặt Hộp tin TGPL tại trụ sở ở nơi thuận tiện, dễ quan sát và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, tạm giam; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, đơn yêu cầu TGPL cho bị can, bị cáo, bị hại và đương sự đến làm việc tại trụ sở. Trong quá trình thực hiện, một số Bảng thông tin, Hộp tin TGPL bị hư hỏng, thất lạc đã được cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời đề nghị Trung tâm TGPL cung cấp bổ sung, thay thế.
- Việc thông tin, thông báo, giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm TGPL: cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã thực hiện đúng theo quy định của Luật TGPL, Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, đa số các cơ quan tiến hành tố tụng ở các địa phương đã thực hiện việc giải thích về quyền được TGPL, lập biên bản về việc giải thích và lưu hồ sơ vụ án; gửi thông báo, thông tin về TGPL cho Trung tâm TGPL; thực hiện thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định.
- Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng trong vụ án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phối hợp thực hiện TGPL: đơn giản thủ tục đăng ký bào chữa, ghi nhận quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL trong bản án, quyết định của tòa án; thông báo lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia hỏi cung bị can; thông báo lịch hòa giải, xét xử.
5. Kết quả thực hiện vụ việc TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng
Theo số liệu báo cáo của các địa phương trong 3 năm (2019, 2020 và 2021) trong toàn quốc đã thụ lý 79.046 vụ việc, hoàn thành 47.550 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 39.403 vụ việc, luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm, luật sư của tổ chức tham gia TGPL thực hiện 8.147 vụ việc.
Về kết quả lượt người được TGPL: Tổng số người bị buộc tội, người bị hại, đương sự trong vụ án, vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý tiếp nhận là 1.243.261 vụ (Công an: 162.205; Toà án: 770.993; Viện kiểm sát: 319.229; các cơ quan điều tra khác: 896); trong đó người thuộc diện được TGPL là 78.932 vụ việc (Công an: 27.875; Toà án: 35.222; Viện kiểm sát: 15.254; các cơ quan điều tra khác: 581).
6. Kinh phí bảo đảm cho việc phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng
Hàng năm, HĐPHLN ở Trung ương và địa phương được cấp kinh phí bảo đảm một số hoạt động như: kiểm tra, tổ chức tập huấn, phụ cấp cho thành viên hội đồng, tổ giúp việc, phần còn lại một số địa phương chi cho công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, in ấn tờ gấp, sổ thụ lý, bảng tin, tờ thông tin về TGPL… Về cơ bản, kinh phí được cấp ở các địa phương bảo đảm những mục chi cần thiết nhất cho một số hoạt động của HĐPHLN.
Đánh giá chung
- Việc ban hành Thông tư liên tịch số 10 tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL; hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin và thống kê vụ việc. Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin về người thuộc diện TGPL cho Trung tâm TGPL, Chi nhánh trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL đã góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.
- Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực HĐPHLN Trung ương trong việc chủ động xây dựng các văn bản triển khai Thông tư liên tịch số 10 (Kế hoạch triển khai Thông tư, Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong điều tra hình sự, hàng năm xây dựng Kế hoạch hoạt động, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, giải đáp khó khăn, vướng mắc của HĐPHLN địa phương…), đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các ngành thành viên Trung ương thường xuyên quan tâm, tham gia tích cực trong việc ban hành văn bản triển khai trong ngành mình, góp ý các Kế hoạch công tác hàng năm, tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn của địa phương khi có yêu cầu, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương… Sau mỗi đợt kiểm tra, HĐPH có báo cáo gửi các đơn vị được kiểm tra để giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề nghị rút kinh nghiệm đối với những vấn đề còn chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng chưa tốt… Từ đó, nhận thức của các ngành thành viên, các đơn vị được kiểm tra về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng cũng tốt hơn.
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các ngành là thành viên của HĐPHLN địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành mình triển khai, thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10, Kế hoạch hoạt động của HĐPHLN và các văn bản hướng dẫn về thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL. HĐPHLN địa phương đã quan tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai đến các ngành thành viên về nội dung Thông tư liên tịch số 10; các thành viên HĐPHLN đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo ngành mình thực hiện các nhiệm vụ tại Thông tư liên tịch số 10; hàng năm thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương; qua đó có điều kiện để trao đổi, nghe phản hồi việc phối hợp thực hiện hoạt động TGPL. Sau mỗi đợt kiểm tra có thông báo kết luận những việc đơn vị kiểm tra đã làm tốt cần tiếp tục phát huy, những việc chưa được và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất và hiệu quả hơn. Một số ngành khi kiểm tra các mặt công tác của ngành mình đã chủ động lồng ghép kiểm tra công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động TGPL đảm bảo quyền con người, quyền công dân, từ đó giúp nâng cao số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.
- Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT và các văn bản có liên quan đã giúp công tác TGPL nói chung, đặc biệt là việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong toàn quốc đã có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, đương sự, bị hại được tiếp cận sớm với TGPL. Các trợ giúp viên pháp lý được tham gia vụ việc ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, một số nơi thực hiện từ giai đoạn tố giác tội phạm. Trong quá trình thực hiện vụ việc từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, về cơ bản người thực hiện TGPL được tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm việc bào chữa cũng như bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng luôn tạo điều kiện thuận lợi để trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL trong quá trình tham gia tố tụng, bảo đảm cho họ thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về TGPL. Quá trình tham gia của người thực hiện TGPL đã được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định.
- Năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình và được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận và đánh giá tốt[4]. Hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên, trong đó nhiều vụ việc có kết quả thành công, hiệu quả rõ rệt. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, có 19.933 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 16.812 vụ việc (chiếm 84,3%). Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, một số trường hợp được tuyên không có tội... đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, củng cố niềm tin vào công lý. Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp TGPL.
- Thông qua hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, công tác TGPL bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của người dân, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, trung thực, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 còn một số hạn chế như:
- Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công anquy định “…bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", Thông tư liên tịch số 10 chỉ quy định phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đối với người bị buộc tội, bị hại, đương sự, chưa quy định việc bảo vệ cho người được TGPL là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác.
- Còn một số trường hợp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương[5] chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 như: chưa bàn giao đầy đủ các văn bản tố tụng; bỏ sót đối tượng TGPL trong giai đoạn điều tra, truy tố, đến giai đoạn xét xử Tòa án mới thực hiện thông tin, thông báo, yêu cầu phân công bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL…
- Cơ sở giam giữ lúng túng khi sử dụng Biểu mẫu số 02, 03, 04 của Thông tư liên tịch số 10 vì tại phần cuối các mẫu này người lập văn bản là người/cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[6].
Trong quá trình thực hiện:
- Các cơ quan tiến hành tố tụng thường chú trọng giải thích, thông báo thông tin về TGPL liên quan đến đối tượng là bị can, bị cáo hoặc bị hại mà chưa quan tâm đến việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL cho các đối tượng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ việc dân sự. Do đó, số vụ việc được TGPL cho những đối tượng nêu trên còn thấp, số vụ việc trợ giúp trong các vụ việc dân sự hàng năm còn hạn chế[7].
- Một số địa phương việc lập Biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí cho người thuộc diện được TGPL chưa đầy đủ, chủ yếu thực hiện đối với người bị buộc tội, còn các đối tượng khác thuộc diện được TGPL trong các vụ án hình sự và các vụ án thụ lý để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm chưa được quan tâm thực hiện theo quy định; việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL tại một số cơ quan chưa đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10; một số cơ quan chưa gửi đầy đủ thông tin TGPL bằng văn bản cho Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; một số địa phương chưa tổ chức tập huấn Thông tư liên tịch số 10 cho các ngành thành viên.
- Việc gửi lịch xét xử, kết luận điều tra và bản sao bản án cho Trung tâm TGPL vẫn còn một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện kịp thời[8] gây khó khăn trong quá trình tham gia giải quyết vụ án cũng như việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Một số vụ việc tham gia tố tụng tại TAND cấp cao, người thực hiện TGPL chưa được thông báo lịch xét xử đúng thời hạn và không được cung cấp bản sao bản án[9]. Một số bản án, quyết định tố tụng chưa ghi nhận về ý kiến của người thực hiện TGPL[10].
- Có tình trạng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng định hướng để người được TGPL lựa chọn luật sư ký hợp đồng từ danh sách người thực hiện TGPL dẫn đến việc người được TGPL chủ yếu lựa chọn luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, do đó, luật sư không bố trí được thời gian tham gia tố tụng nên một số ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải hoãn việc hỏi cung hoặc xét xử.
- Kinh phí cấp cho hoạt động của HĐPHLN tại địa phương còn hạn chế[11], chủ yếu chi trả phụ cấp cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc, tổ chức kiểm tra. Các nội dung chi khác quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 10 (chi tập huấn, tổ chức sơ kết, tổng kết, chi khen thưởng...) hầu như chưa được bảo đảm. Các ngành thành viên chưa được cấp kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:
- Các cơ quan tiến hành tố tụng mới tập trung giới thiệu người thuộc diện TGPL trong vụ án hình sự đến Trung tâm TGPL mà chưa chú trọng trong vụ án dân sự, hành chính.
- Kinh phí tập huấn cấp cho hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động tập huấn cho người thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế, do đó, hoạt động tập huấn không được tập huấn thường xuyên, thậm chí có địa phương chưa tổ chức tập huấn, nhiều cán bộ tiến hành tố tụng mới được tuyển dụng chưa biết thông tin về TGPL; kinh phí truyền thông còn hạn chế.
- Vẫn còn một số trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa thực sự trách nhiệm trong công tác phối hợp đối với vụ việc có đối tượng được TGPL trong việc giải thích quyền được TGPL theo Luật TGPL năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10.
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Thông tư liên tịch số 10, hàng năm các ngành là thành viên HĐPHLN có trách nhiệm báo cáo nội dung kết quả triển khai Thông tư liên tịch này và số liệu được tổng hợp từ Sổ theo dõi vụ việc TGPL gửi cơ quan thường trực Hội đồng; tuy nhiên thời gian lấy số liệu báo cáo tại Thông tư liên tịch này chưa trùng khớp với thời gian báo cáo của các ngành nên các ngành gặp khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Về hoàn thiện thể chế:
- Nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 10 cho thống nhất, cụ thể hơn theo Thông tư số 46/2019/TT-BCA để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL; sửa đổi khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 phù hợp với quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự để thống nhất sử dụng 01 biểu mẫu trong hoạt động tố tụng; sửa đổi một số quy định về biểu mẫu tại Thông tư liên tịch số 10[12].
- Nghiên cứu nâng cao vị thế, vai trò cơ chế phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương[13].
- Nghiên cứu quy định về lập dự toán kinh phí bảo đảm khả thi để các ngành thành viên có thể có kinh phí triển khai hoạt động thuộc nhiệm vụ của ngành mình[14].
Đề nghị các Bộ, ngành là thành viên của HĐPHLN ở Trung ương cần tăng cường chỉ đạo thường xuyên hơn đối với ngành mình ở địa phương theo hệ thống dọc để tạo sự thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 10 vì thực tế có một số lãnh đạo ngành ở cấp tỉnh thay đổi, lãnh đạo mới chưa tiếp cận với Thông tư này[15].
Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý
[1]Bộ Quốc phòng có Công văn số 9314/BQP-PC ngày 26/8/2019 về việc triển khai thực hiện trong Quân đội công tác TGPL trong hoạt động tố tụng gửi Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tòa án quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội/TCCT; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-VKSTC ngày 18/9/2019 triển khai Thông tư liên tịch số 10 trong ngành Kiểm sát nhân dân chỉ đạo, đôn đốc trong ngành mình từ năm 2019; Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 244/TANDTC-PC ngày 05/11/2019 về việc thi hành Thông tư liên tịch số 10 gửi Chánh án Toà án nhân dân các cấp, Chánh án Toà án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an có Công văn số 481/BCA-V03 ngày 17/01/2020 về việc đôn đốc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Năm 2019, tổ chức 04 đoàn kiểm tra tại Hà Nội (11/4/2019), Thanh Hóa và Nghệ An (11/7-12/7/2019), Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (31/7-01/8/2019) Tây Ninh và Bình Dương (24/10-25/10/2019). Năm 2020 tổ chức 01 đoàn kiểm tra tại Đắk Lắk và Đắk Nông (29/10-30/10/2020), do dịch Covid-19 bùng phát nên hoãn 2 đoàn. Năm 2021 cũng do dịch Covid-19 nên hoãn 03 đoàn (Lào Cai, Yên Bái; Hà Tĩnh, Quảng Bình; Khánh Hòa, Lâm Đồng). Năm 2022 đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra: Nghệ An và Ninh Bình (04/7-06/7/2022); Bình Thuận và Ninh Thuận (14/9-15/9/2022); Hà Giang và Tuyên Quang (27/10-28/10/2022).
[3] Công văn số 503/BTP-TGPL ngày 23/02/2022 và Công văn số 546/BTP-TGPL ngày 25/02/2022.
[4] Qua các đợt kiểm tra của HĐPHLN Trung ương, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương nhận định.
[5] Bình Dương, Phú Yên, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Long An.
[6] Cơ sở giam giữ không có người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
[7] Ví dụ năm 2021: số vụ việc tham gia tố tụng trong lĩnh vực dân sự/tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Hà Nội 105/1.609 (6,5%), Sơn La 45/650 (6,9%), Tuyên Quang 23/316 (7,3%), Yên Bái 38/429 (8,9%), Hoà Bình 46/321 (14,3%), Bình Định 68/449 (15,1%).
[8] An Giang, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Sóc Trăng.
[9] Hà Giang, Sóc Trăng.
[10] Gia Lai, Tuyên Quang, Vĩnh Long.
[11] Tuyên Quang, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum…
[12] Bạc Liêu, Bình Thuận, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tiền Giang, Đắk Lắk.
[13] Khánh Hoà, Hậu Giang, Bình Thuận đề xuất nâng cấp HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng thành Ban chỉ đạo phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.
[14] Thừa Thiên Huế, An Giang, Bến Tre, Bắc Giang, Bình Định, Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La.
[15] An Giang, Gia Lai, Kon Tum.