Một số kết quả hoạt động của các Trung tâm trợ giúp pháp lý 06 tháng đầu năm 2022

29/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

1. Công tác xây dựng văn bản và triển khai thi hành Luật TGPL 1.1. Công tác xây dựng văn bản, đề án Công tác chỉ đạo, ban hành và tham mưu ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh/thành phố (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và các cơ quan hữu quan quan tâm thực hiện, nhiều văn bản được ban hành đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân góp phần nâng cao chất lượng TGPL trên địa bàn. Trong 06 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch công tác TGPL năm 2022; Kế hoạch thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật năm 2022; Kế hoạch TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2022, Kế hoạch truyền thông năm 2022... làm căn cứ triển khai các hoạt động TGPL tại địa phương.

1.2. Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý
Công tác TGPL ở địa phương tiếp tục được triển khai theo Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025. Trong 06 tháng đầu năm, công tác TGPL ở các địa phương đã đạt được những kết quả như sau:
- Việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL được các Trung tâm quan tâm thực hiện. Tính đến 30/6/2022, theo báo cáo của 52 Trung tâm TGPL nhà nước, hiện có 46 Giám đốc Trung tâm, 6 Phó Giám đốc phụ trách và 69 Phó Giám đốc. Toàn quốc là có 110 Chi nhánh. Việc thực hiện rà soát các Chi nhánh được các địa phương thực hiện thường xuyên để kịp thời trình cấp có thẩm quyền giải thể, sáp nhập. Đến nay, hầu hết các Chi nhánh đều hoạt động thực chất có hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, thực hiện vụ việc và phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan tại địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Song song với việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, các Trung tâm cũng tích cực thực hiện công tác kiện toàn đội ngũ người thực hiện TGPL. Đến nay, cả nước có 1.233 viên chức, người lao động (tăng 14 người so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 666 trợ giúp viên pháp lý (tăng 36 người so với cùng kỳ năm trước), 406 chuyên viên pháp lý, 64 kế toán  và 97 là các đối tượng khác; có 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với 14 Sở Tư pháp thực hiện TGPL[1] (giảm 01 tổ chức hành nghề Luật sư so với cùng kỳ năm trước); 180 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với 24 Sở Tư pháp[2] (giảm 12 tổ chức hành nghề Luật sư và 01 tổ chức tư vấn pháp luật so với cùng kỳ năm trước); 663 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với 60 Trung tâm TGPL nhà nước (tăng 18 người so với cùng kỳ năm trước); 38 Cộng tác viên ký Hợp đồng thực hiện TGPL với 04 Trung tâm TGPL Nhà nước (giảm 03 người so với cùng kỳ năm trước).
- Về kết quả thực hiện vụ việc TGPL, thẩm định chất lượng vụ việc TGPL:
Trong 06 tháng đầu năm 2022, số lượng các vụ việc thực hiện, vụ việc thụ lý mới, vụ việc kết thúc tăng cao so với 06 tháng đầu năm 2021. Số vụ việc thực hiện trong kỳ báo cáo: 29.082 vụ việc, tăng 13.1% (số vụ việc thực hiện 06 tháng đầu năm 2020: 25.714 vụ  việc), số vụ việc thụ lý mới: 13.598 vụ việc, tăng 4.8% (số vụ việc thụ lý mới 06 tháng đầu năm 2021: 12.968 vụ việc), số vụ việc kết thúc: 11.098 vụ việc, tăng 20.26% (số vụ việc kết thúc 06 tháng đầu năm 2021: 9.228 vụ việc), số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện: 25.213 vụ việc, tăng 10.4% (số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện 06 tháng đầu năm 2021: 22.837 vụ việc ).
Tuy nhiên số vụ việc tham gia tố tụng thụ lý mới giảm so với 06 tháng đầu năm 2021 (06 tháng đầu năm 2021 cả nước tiếp nhận mới 10.445 vụ việc, 6 tháng đầu năm 2022 là 10.106 vụ việc) (giảm 3,2%), trong đó số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong 06 tháng đầu năm 2022 là 7.685 vụ việc (tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021), số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả là 1.780 vụ việc (chiếm 23% tổng số vụ việc tham gia tố tụng).
Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện TGPL thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, có những vụ việc người được TGPL được tuyên bố không có tội, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL đặc biệt là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã giành thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Việc thẩm định chất lượng vụ việc TGPL được phần lớn các Trung tâm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Theo số liệu báo cáo cho thấy, hiện nay trên cả nước có 38 Trung tâm thực hiện việc thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, số vụ việc được các Trung tâm thẩm định chất lượng là 4.138 vụ việc TGPL, tất cả các vụ việc được thẩm định đều đạt chất lượng khá trở lên, không có vụ việc nào không đạt chất lượng.
2. Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý
Nhằm thúc đẩy việc thông tin TGPL đến với người dân, các Trung tâm TGPL đã có nhiều hoạt động truyền thông về TGPL theo nhiều phương thức khác nhau. Một số Trung tâm xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về TGPL (Bình Định,...) đăng tải các thông tin về tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Đa số các Trung tâm phối hợp với các cơ quan đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,...) để giới thiệu thông tin về TGPL cho thành viên, hội viên của các tổ chức hoặc phối hợp với các Báo để đăng tải các câu chuyện pháp luật TGPL, nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về TGPL, hoạt động TGPL, giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà người dân thường gặp; một số địa phương xây dựng chuyên mục «câu chuyện TGPL» trên báo địa phương. Nhìn chung, hoạt động truyền thông của địa phương đã có những đổi mới với nhiều phương thức phù hợp với nguồn kinh phí được cấp cũng như điều kiện thực tế tại địa phương.
3. Công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong tố tụng và công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác
Sở Tư pháp đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương xây dựng Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; xây dựng kế hoạch kiểm tra và trong những tháng đầu năm đã tổ chức kiểm tra tại địa bàn cấp huyện.
Có thể khẳng định công tác phối hợp TGPL giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả. Theo báo cáo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay việc lắp đặt, kiểm tra, thay thế Bảng thông tin về TGPL, Tờ thông tin về TGPL, Hộp tin TGPL, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam được thực hiện đồng bộ ở tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, để kịp thời trong việc tiếp nhận thông tin vụ việc TGPL, thông tin của người được TGPL từ các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm và người thực hiện TGPL khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam. Danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL cũng được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của địa phương và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để người dân có thể liên lạc, lựa chọn tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL có uy tín khi có nhu cầu được TGPL.
Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiêm túc thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định. Khi phát hiện có người  thuộc diện TGPL đã thông báo cho Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về người thực hiện TGPL trực tại tòa án:
Tại một số địa phương, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiên Chương trình phối hợp. Tại Ninh Bình, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TGPL của người dân, Tòa án đã thống nhất hỗ trợ Trung tâm bố trí bàn trực TGPL đặt bên cạnh bàn tiếp nhận khởi kiện, yêu cầu tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh. Trung tâm TGPL cử người thực hiện TGPL hoặc chuyên viên trực trong giờ hành chính (3 buổi/tuần). Tại Tây Ninh, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức ký kết Kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân 02 cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tại Ninh Thuận, Trung tâm TGPL đã cử viên chức trực tại Tòa án 02 huyện. Tại Kiên Giang, Trung tâm đã cử người thực hiện TGPL trực tại tòa án nhân dân tỉnh.
Nhiều địa phương, tại trụ sở tòa án nhân dân chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, Tòa án thông báo cho Trung tâm TGPL các thông tin về người thuộc diện TGPL qua điện thoại.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến và Công văn số 546/BTP-TGPL ngày 25/02/2022 của Bộ Tư pháp về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm TGPL nhà nước tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến:
Một số Trung tâm TGPL nhà nước có thuận lợi trong việc xin chủ trương thực hiện như: Hà Nội (dự kiến xây dựng 5 điểm cầu), Tiền Giang, Hà Giang (có sẵn phòng họp)... 15 Trung tâm đã lập dự toán kinh phí thực hiện trình Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân. Một số Trung tâm đang có chủ trương xây dựng trụ sở mới, trong phương án thiết kế, đã bố trí xây dựng một phòng riêng phục vụ các hoạt động trực tuyến nhưng vì trụ sở chưa xây dựng xong nên chưa lập dự toán (Quảng Ngãi, Bình Định, Bạc Liêu). 37 Trung tâm đã bố trí được phòng riêng để lắp đặt trang thiết bị.
Không chỉ có hoạt động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được đẩy mạnh, trong thời gian qua công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh cũng được các Trung tâm tích cực thực hiện. Các Trung tâm TGPL đã phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương, các tổ chức như Hội Luật gia; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc... để thực hiện truyền thông về TGPL hoặc giới thiệu hội viên đến Trung tâm.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TGPL được 100% các Trung tâm thực hiện. Theo báo cáo, các Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức, người thực hiện TGPL, thông tin việc, vụ việc TGPL lên Hệ thống phần mềm quản lý về TGPL, đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để trích xuất các thống kê, báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi và hoạt động TGPL của Trung tâm. Để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL của đơn vị, nhiều Trung tâm TGPL đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc cập nhật thông tin lên Hệ thống quản lý TGPL.
II. Đánh giá chung
1. Những thuận lợi
Cùng với định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Sở Tư pháp và với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các Trung tâm nên công tác TGPL 06 tháng đầu năm 2022 của các Trung tâm đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo báo cáo số liệu 06 tháng đầu năm 2022, mặc dù tổng số biên chế giảm nhưng số lượng trợ giúp viên pháp lý tăng; số lượng vụ việc thực hiện TGPL, số lượng vụ việc thụ lý mới, số lượng vụ việc tham gia tố tụng, số lượng vụ việc kết thúc đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tổ chức bộ máy của Trung tâm được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Không chỉ tăng về số lượng vụ việc mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao.
Hoạt động truyền thông được thực hiện linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm cung cấp thông tin cho người dân, giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ TGPL. Nhiều phóng sự, chuyên mục truyền thông thu hút được sự quan tâm của người dân trên địa bàn và nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức tại địa phương.
Hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn về TGPL nói chung và đặc biệt là phối hợp trong hoạt động tố tụng đã có nhiều chuyển biến. Qua thời gian, bằng hiệu quả của công việc, hoạt động TGPL hiện nay đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình và được các cơ quan, tổ chức hữu quan ghi nhận, trong đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, từ đó giúp tăng số lượng vụ việc do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin, thông báo.
2. Khó khăn, vướng mắc
- Về phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn
 Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm đầy đủ và chưa phối hợp tốt trong hoạt động tố tụng; chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm trong việc giải thích, hướng dẫn về quyền được TGPL dẫn đến tình trạng các bị can, bị cáo, đương sự từ chối quyền được TGPL khi được giải thích về quyền này. Có nơi, nhận thức của các cơ quan, ban ngành khác tại địa phương chưa thật sự đúng và đầy đủ, chưa hiểu hết tầm quan trọng của hoạt động TGPL nên Trung tâm gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động truyền thông tại cơ sở. Ở đa số các địa phương, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng chưa được bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Số vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm TGPL còn hạn chế so với số vụ việc do các cơ quan này thụ lý, giải quyết.
- Về số lượng trợ giúp viên pháp lý
Mặc dù số lượng trợ giúp viên pháp lý tăng so với 6 tháng đầu năm 2021 nhưng so với nhu cầu về TGPL của người dân ngày càng tăng trong thực tế thì số lượng trợ giúp viên pháp lý như hiện nay (666 người) còn quá ít. Đặc biệt, hiện nay ở một số địa phương số lượng trợ giúp viên pháp lý có rất ít (Đà Nẵng 03, Kon Tum: 02, Sóc Trăng 04, Lai Châu 03, Sơn La: 05), điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động thực hiện vụ việc TGPL trên địa bàn nhất là đối với các tỉnh miền núi.
- Hệ thống Quản lý tổ chức và hoạt động TGPL
Hệ thống hiện vẫn đang hoàn thiện nên còn một số khó khăn như: Hệ thống chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tế; chất lượng đường truyền còn hạn chế; việc cập nhật quá trình thực hiện các vụ việc TGPL và các file đính kèm lên phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL còn tốn thời gian; đường truyền có lúc không ổn định và hệ thống máy móc tại đơn vị còn thiếu thốn; các luật sư có tuổi thường lúng túng trong thao tác cập nhật vụ việc.
- Về kinh phí: Ở địa phương, khó khăn về kinh phí là khó khăn lớn nhất do tất cả các Trung tâm TGPL nhà nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.  Nhiều địa phương kinh phí cấp cho Trung tâm TGPL hạn chế nên không đủ để triển khai hoạt động của Trung tâm; kinh phí nghiệp vụ được cấp ít, không đủ chi trả vụ việc TGPL (Nghệ An, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Đắk Lắk…), kinh phí truyền thông không bảo đảm truyền thông đến tất cả các xã,…
 

[1] Gồm 30 tổ chức hành nghề luật sư, 10 tổ chức tư vấn pháp luật.
[2] Gồm: 146 tổ chức hành nghề Luật sư, 34 tổ chức tư vấn pháp luật.

Xem thêm »