Nhằm triển khai có hiệu quả Chỉ thị số: 1408/CT-TTg ngày 01/9//2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Quyết định số: 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; Quyết định 2467/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 16/KH-STP ngày 22/4/2014 của Sở Tư pháp về thực hiện TGPL cho trẻ em năm 2014, ngay từ đầu năm Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã xây dựng cụ thể, chi tiết kế hoạch trợ giúp pháp lý cho trẻ em năm 2014 với mục đích và yêu cầu cụ thể như: Tăng cường trợ giúp pháp lý bằng các hình thức phù hợp và có chất lượng cho trẻ em bị vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em, trẻ em bị xâm hại về tình dục, bị mua bán, bị tai nạn, thương tích, lao động nặng nhọc, nhiễm HIV... trẻ em là bị can, bị cáo, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, góp phần ngăn ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đồng thời bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, người chưa thành niên theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải và các hình thức trợ giúp pháp lý khác, giúp trẻ em, người chưa thành niên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Hành động vì trẻ em không chỉ của một cá nhân, một tổ chức mà cần có sự vào cuộc của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, và của toàn xã hội. Chính vì vậy để có đánh giá chính xác về nhu cầu trợ giúp pháp lý và tình hình vi phạm pháp luật của trẻ em, người chưa thành niên, trong thời gian qua, Trung tâm TGPL cũng đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục –Đào tạo; tỉnh Đoàn Quảng Ninh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các cơ quan, ban ngành liên quan đã tổ chức khảo sát tình hình vi phạm pháp luật; nhu cầu trợ giúp pháp lý ở trẻ em, người chưa thành niên; trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị buôn bán, trẻ em lao động ở điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đồng thời phân loại, lấy số liệu của 11 đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, đó là: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em tàn tật, khuyết tật; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em bị xâm hại; Trẻ em nghiện ma tuý; Trẻ em lang thang kiếm sống; Trẻ em phải làm việc xa gia đình; Trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học…Qua đó triển khai công tác trợ giúp pháp lý miễn phí có hiệu quả.
Trung tâm còn tiến hành các Hoạt động tuyên truyền, thông tin truyền thông về trợ giúp pháp lý cho trẻ em như: lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trẻ em, người chưa thành niên trong các trường học, địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động. Thực hiện thông tin pháp lý miễn phí cho trẻ em, người chưa thành niên ở các địa bàn đông dân cư, các khu đô thị và các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thông qua các hình thức: biên soạn, in ấn các tờ gấp pháp luật, sổ tay pháp luật, đặt biển thông tin pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em, người chưa thành niên. Năm 2014, trung tâm đã biên soạn, in ấn và phát hành 59.510 tờ gấp pháp luật cho trẻ em, người chưa thành niên; lắp đặt 21 Bảng thông tin trợ giúp pháp lý tại 21 trường học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra,Trung tâm cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức các Hội nghị tập huấn giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em và trợ giúp pháp lý tại Thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái cho hơn 1000 học viên là giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giáo dục công dân, cán bộ lãnh đạo các phòng giáo dục của 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Với sự chuẩn bị chu đáo, sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, năm 2014 Trung tâm TGPL đã tổ chức TGPL lưu động cho trẻ em tại địa bàn 10 huyện, thành phố: Hải Hà, Đông Triều, Bình Liêu, Quảng Yên, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí, Hoành Bồ, Đầm Hà, Móng Cái. Tư vấn pháp luật cho 547 trẻ em, người chưa thành niên; cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 66 trẻ em, người chưa thành niên.
Năm 2014, công tác TGPL cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu đáp ứng được nhu cầu TGPL ngày càng tăng của đối tượng này, vụ việc TGPL được thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được TGPL. Chung tay hành động vì trẻ em, nhất là qua các hoạt động giáo dục pháp luật, TGPL có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn góp phần không nhỏ nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt./.
Trần Cường
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ninh