Lào Cai - Bước chuyển mình của chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 - huyện Si Ma Cai

19/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Si Ma Cai là một huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai hơn 100km, với diện tích tự nhiên 2.345,4 km2, toàn huyện có 13 xã với 11 dân tộc anh em chung sống (chiếm 99,2%) như H'Mông, Nùng, La Chí, Cờ Lao, Phù Lá... với địa hình phức tạp trên 80% diện tích là núi đá vôi và đồi trọc, cơ sở hạ tầng phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước, do vậy mà cuộc sống của bà con còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Một trong những chính sách mà Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đó là Luật Trợ giúp pháp lý 2017, nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật cho bà con nhân dân trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội thường ngày.

Được thành lập theo Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 10/10/2007 của UBND tỉnh Lào Cai, tuy nhiên do nguồn nhân lực mỏng, ban đầu mới chỉ có 01 cán bộ, nhiều khi còn phải tăng cường xuống địa bàn huyện Bắc Hà nên chi nhánh mới chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu trợ giúp pháp lý của bà con. Khi mạng lưới chi nhánh được củng cố, Chi nhánh số 1 huyện Si Ma Cai luôn nỗ lực, không ngừng đưa ánh sáng pháp luật tới bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, tháo gỡ được nhiều vướng mắc xảy trong đời sống thường ngày của bà con và thu được nhiều kết quả đáng kể, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai (Trung tâm).

Để thực thi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi năm 2017, trên cơ sở Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh, Kế hoạch hằng năm của Trung tâm, Chi nhánh TGPL số 1 huyện Si Ma Cai đã chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động cụ thể phù hợp với thực trạng trên địa bàn, thực hiện tốt công tác chuyên môn như: tư vấn pháp luật tại trụ sở, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho các đối tượng có yêu cầu, đồng thời tổ chức tốt các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tới địa bàn các thôn, bản vùng sâu, vùng khó khăn của huyện. Chủ động nắm bắt nội dung hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 và Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017 trong việc rà soát 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.

Cho đến nay, Chi nhánh số 1 huyện Si Ma Cai đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời 219 yêu cầu TGPL cho bà con, bao gồm các lĩnh vực pháp luật: hình sự 104 vụ, dân sự 25 vụ, hôn nhân gia đình 70 vụ; đất đai 15 vụ, hành chính  05 vụ; tư vấn 41 vụ, tham gia đại diện, bào chữa 178 vụ. Với tổng số đối tượng được trợ giúp pháp lý là 225 lượt người, trong đó 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tư vấn pháp luật xong 41/41 vụ việc (100%), tham gia đại diện, bào chữa 173/178 vụ việc, còn 05 vụ (2,8%) đang thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố, tỉ lệ giải quyết đạt 97,2% so với tổng số yêu cầu tiếp nhận.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 trên địa bàn huyện đã ổn định và đi vào nền nếp, các đối tượng là bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích về quyền được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước qua các bảng thông tin hay biên bản giải thích của cơ quan điều tra, biết liên hệ với Chi nhánh để được hướng dẫn viết đơn, hay hoàn thiện các thủ tục pháp lý ban đầu trong vụ việc cụ thể có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Vì vậy, trong số 178 vụ đại diện, bào chữa, có tới 70% số vụ việc bào chữa đã được trợ giúp viên pháp lý Chi nhánh tham gia từ giai đoạn khởi tố, do Cơ quan điều tra phối hợp, còn 25% số vụ việc đại diện được thực hiện từ giai đoạn xét xử do Tòa án liên hệ.

Bà con thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng trong buổi truyền thông

Hoạt động truyền thông hướng về địa bàn các thôn, bản nghèo và đặc biệt khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ được tăng cường và đẩy mạnh, Chi nhánh đã phối hợp với phòng Tư pháp, Hội nông dân, hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cùng các đoàn thể và UBND các xã tổ chức được 61 đợt về địa bàn các thôn, bản khó khăn và đặc biệt khó khăn. Qua các đợt truyền thông, Chi nhánh đã tuyên truyền, phổ biến tới 2.650 lượt đồng bào dân tộc thiểu số các văn bản pháp luật hiện hành như: Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, một số vấn đề về TGPL cho nạn nhân bị mua bán; về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, về tranh chấp quyền sở hữu... Bên cạnh đó, Chi nhánh còn duy trì tốt thông tin về TGPL cho các đối tượng được TGPL thông qua các bảng tin TGPL tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND các xã, thị trấn, các đồn biên phòng và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn các huyện; Cung cấp miễn phí mẫu đơn đề nghị TGPL và cấp phát tờ gấp pháp luật với nhiều nội dung phong phú.

Tiếp dân tại trụ sở Chi nhánh

Ngoài công tác chuyên môn, Chi nhánh còn tham gia đầy đủ các hoạt động đoàn thể với khối Nội chính, phòng Tư pháp, công đoàn hay Đoàn thanh niên,... nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do Trung tâm, UBND huyện và các đoàn thể phát động,...

Công tác TGPL của Chi nhánh đã được Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Trung tâm ghi nhận, trao tặng Giấy khen về tập thể lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cơ sở có nhiều thành tích trong công tác tư pháp và công tác TGPL. Dự kiến trong thời gian tới, chi nhánh sẽ được bổ nhiệm thêm một trợ giúp viên pháp lý, tạo nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ pháp lý công cho người dân trên địa bàn.

Ánh sáng pháp luật mới chỉ đến với bà con, đồng bào dân tộc thiểu số được phần nào, còn nhiều vướng mắc nữa đang chờ đón những người trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý, tuy nhiên do địa bàn xa trung tâm, giao thông không thuận lợi, trong khi nguồn nhân lực mỏng, hơn nữa nhiều bà con đồng bào còn chưa thông thạo tiếng phổ thông nên việc trao đổi, cung cấp thông tin của vụ việc còn nhiều hạn chế. Một số tâm lý còn e ngại, bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán địa phương, nên chưa biết đến yêu cầu trợ giúp pháp lý. Đặc biệt trụ sở chi nhánh chưa được bố trí ở địa điểm thuận tiện cho bà con tiếp cận, thường xuyên bị thay đổi. Mong rằng, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, đồng thời tuyên truyền phổ biến nhiều kiến thức pháp luật, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, giúp bà con có thêm hiểu biết về pháp luật, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân./.

                                                                                      Nguyễn Thị Mai Hương

              Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai

 

 

 

 

 

 

 

 

         

           

 

 

Xem thêm »