Nhìn lại một năm thực hiện Trợ giúp pháp lý miễn phí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

18/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Tư pháp và hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Quảng Trị, hoạt động TGPL miễn phí trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, trong năm 2014 hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả sau:

Về tình hình hoạt động trợ giúp pháp lý:

 Thực hiện Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2014, trong năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị tiếp nhận 2.168 yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 2.135 vụ việc, trong đó: Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn tại Trung tâm và Tổ cộng tác viên: 522 vụ việc, Trợ giúp pháp lý tại trụ sở là 1.563 vụ việc. Trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng: 72 vụ (cho 91 đối tượng). Số lượng Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng chiếm 98% vụ việc.

Về chất lượng các vụ việc TGPL của Trung tâm đã từng bước nâng lên, đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.

Về công tác xây dựng văn bản, kế hoạch hoạt động:

  Trên cơ sở Kế hoạch công tác của ngành, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, tình hình thực tiễn của đơn vị và nhu cầu TGPL của nhân dân trên địa bàn, ngay từ đầu năm Trung tâm đã xây dựng Kế hoạch công tác năm 2014. Kế hoạch về triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo nguồn hỗ trợ từ Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch về việc truyền thông về Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2014; Kế hoạch về trợ giúp pháp lý cho Trẻ em và Kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, thời gian và biện pháp tổ chức, thực hiện; tổ chức triển khai, quán triệt đến từng viên chức của Trung tâm đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra.

Về công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng:

Trung tâm đã thường xuyên cung cấp, cập nhật văn bản pháp luật cho các Câu lạc bộ TGPL thông qua địa chỉ thư điện tử của từng Câu lạc bộ. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức cung cấp các văn bản, sổ tay, cẩm nang vụ việc trợ giúp pháp lý cho các cộng tác viên TGPL để hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý.

Trong năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho các Lãnh đạo UBND các xã, Thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc huyện Đakrông và các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung tập huấn liên quan đến Một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai 2013; Nghị định số 31/2013/NĐ-NĐ-CP cảu Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Luật tố tụng hành chính. Các đợt tập huấn đã thu hút hơn 102 đại biểu tham dự.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020, Trung tâm đã tổ chức được 13 Hội nghị phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật. Qua đó, đã phổ biến một số nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật về Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013; Các quy định của pháp luật về chế độ chính sách, pháp luật về dân sự, hình sự, hộ tịch, hôn nhân & gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của công dân cho 549 đối tượng là người dân thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số tại các các xã, thị trấn thuộc huyện nghèo Đakrông.

Về hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động:

 Trong năm 2014, Trung tâm và các Chi nhánh đã tổ chức được 35 đợt khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và 57 đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở. Qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về TGPL, văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan mật thiết với người dân và trực tiếp tiếp nhận tư vấn tư vấn tại chỗ 1.563 vụ việc. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã thu hút hơn 2.950 người dân tham dự, trong đó có 1.731 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Về hoạt động của các Câu lạc bộ TGPL:

Các Câu lạc bộ TGPL trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động sinh hoạt định kỳ. Trung tâm luôn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ cho các Câu lạc bộ. Việc tổ chức sinh hoạt CLB TGPL đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong cộng đồng dân cư.

Về hoạt động kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý:

Trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và nhận thức được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, ngay từ đầu năm Trung tâm đã phân công Trợ giúp viên pháp lý phụ trách các lĩnh vực pháp luật thực hiện việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Căn cứ vào nội dung đề nghị TGPL của đối tượng và kết quả thực hiện TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý đã  kịp thời đề xuất lãnh đạo Trung tâm giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc có liên quan đến vụ việc TGPL. Trong hoạt động tham gia tố tụng, Trung tâm luôn đề cao chất lượng tham gia tố tụng, phát huy kỹ năng tranh tụng, bảo đảm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý. Kết quả: Số vụ việc tư vấn pháp luật được đánh giá chiếm tỷ lệ 79,4%. Số vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá chiếm tỷ lệ 100%.

Về hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng và các hoạt động khác

          Trên cơ sở Quy chế hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai các hoạt động của HĐPHLN về TGPL có hiệu quả. Trong năm 2014, HĐPHLN đã thực hiện kiểm tra công tác phối hợp về TGPL tại hai huyện là Gio Linh và Triệu Phong. Trung tâm thường xuyên cung cấp mẫu đơn, các tờ thông tin về TGPL, thay thế các các Bảng quy định về TGPL  tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

          Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hoạt động TGPL, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như: Đoàn Luật sư, Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh; Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên; Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn... để thực hiện truyền thông, trợ giúp pháp lý, đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý đa dạng, đến với các đối tượng được kịp thời, sâu rộng.

    Một số thuận lợi và khó khăn trong hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh năm 2014

Hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong năm được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của lãnh đạo Sở, cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp, sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, của các Phòng Tư pháp cấp huyện và sự cố gắng, phấn đấu của tập thể Trung tâm đã tạo điều kiện cho Trung tâm hoàn thành cơ bản các hoạt động trọng tâm, đảm bảo tiến độ hoành thành chương trình thi đua kế hoạch năm đã đề ra.

Hệ thống các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý đã được ban hành đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho Trung tâm triển khai toàn diện các hoạt động.

Trung tâm có 06 Trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm ngày càng được tăng cường và nâng cao về trình độ, đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng của người dân.

Bên cạnh những thuận lợi nên trên thì Trung tâm còn gặp phải những khó khăn như sau:

Hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức đoàn thể xã hội, Công ty Luật, Văn phòng Luật sư tại địa phương còn kém phát triển, do đó không thu hút được sự tham gia của các tổ chức này vào hoạt động trợ giúp pháp lý.

Về mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở: Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý trình độ pháp luật còn nhiều hạn chế. Hoạt động của Câu lạc bộ chưa đồng đều. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quan tâm tạo điều kiện để Câu lạc bộ hoạt động tốt. Hiện nay, mới chỉ có 13 Câu lạc bộ được hỗ trợ kinh phí từ Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg để hoạt động, các Câu lạc bộ còn lại không có kinh phí để hoạt động. Chất lượng đội ngũ Cộng tác viên TGPL trong tỉnh chưa cao.

 Kinh phí địa phương dành cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế vì thế Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hoạt động, đặc biệt là hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng trợ giúp pháp lý của các Cộng tác viên TGPL và hỗ trợ cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh tổ chức sinh hoạt định kỳ.

Đối với hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động: Một số địa phương còn chưa thật sự quan tâm, phối hợp với Trung tâm để thực hiện trợ giúp pháp lý có hiệu quả. Trong hoạt động tố tụng còn có một số cơ quan chưa thực sự phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho người được TGPL.

Kinh phí để tổ chức hoạt động TGPL theo Quyết định 59/2012/QĐ-TTg năm 2014 từ nguồn Trung ương chưa được bổ sung do vậy khó khăn trong việc triển khai các hoạt động TGPL tại các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển.

Nhìn chung, trong năm 2014 hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Hoạt động TGPL trên địa bàn không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng được TGPL khác, mà còn góp phần tổ chức thực hiện pháp luật, hạn chế, phòng ngừa các vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển gắn với vấn đề giải quyết an sinh xã hội, giữ đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và công cuộc xóa đói giảm nghèo./.

                                                            Nguyễn Lương Chính

                                            Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Trị

Xem thêm »