Trợ giúp pháp lý buổi tối - gian nan đưa pháp luật đến với đồng bào rẻo cao

19/12/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cùng chung với 62 huyện nghèo trong cả nước, Bắc Hà cũng là một huyện được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đã là huyện nghèo thì cái gì cũng khó khăn và thiếu thốn, nhưng có lẽ gian nan nhất vẫn là công việc đưa pháp luật đến với đồng bào rẻo cao theo Quyết định 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

        Với địa hình núi cao, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 đảm nhận nhiệm vụ đưa “cái luật” đến cho bà con tại 20 xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà. Biết rằng công việc trợ giúp pháp lý là gần dân, sát dân và luôn ở cơ sở, nhưng có lẽ cái đặc biệt và điều đáng nói của Chi nhánh số 2 ở đây là luôn đi trợ giúp pháp lý vào buổi tối.

         Khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phong tục canh tác ở xa nhà, ban ngày người dân phải đi trồng ngô, trỉa bắp để kiếm miếng cơm, manh áo, buổi tối thì người dân mới có thời gian để đi họp thôn mà nghe cán bộ phổ biến về pháp luật của Nhà nước. Với đặc điểm như vậy nên công việc trợ giúp lưu động của Chi nhánh thường vào buổi tối mới có hiệu quả. Trên một địa bàn phức tạp các buổi lưu động thường không ở Trung tâm xã, mà lưu động đến tận những thôn đặc biệt khó khăn như thôn Lao Phú Sáng, Bản Pấy (Hoàng Thu Phố), Thôn Ngài Ma, Nậm Thố (xã Thải Giàng Phố) là những thôn xa của những xã đặc biệt khó khăn, khi người dân chỉ biết nói tiếng dân tộc của mình, còn hầu như tiếng phổ thông là không nghe và không nói được. Chính vì vậy mà mỗi chuyến đi chúng tôi thường thông qua người phiên dịch là trưởng thôn thì mới rõ cái bụng của người dân đồng bào.

         Với điều kiện khó khăn, các vụ việc trợ giúp cũng vô vàn phức tạp, cán bộ Chi nhánh cũng như Cộng tác viên TGPL cần có sự tận tâm với công việc để giúp người dân tháo gỡ những vướng mắc: Ví dụ, như vụ việc ly hôn của chị Đặng Thị Mừ ở thôn Nậm Cài, xã Nậm Đét, chị gặp cán bộ trợ giúp trong một đêm đông rét buốt ngày cuối năm, chị nức nở nghẹn ngào hai hàng nước mắt tâm sự. Em lấy chồng làm con trâu tốt cho gia đình chồng đã 14 năm và đã có 04 mặt con, tài sản từ khi về vợ chồng em đã tạo dựng được là 03 thửa ruộng: 6000m2, 04 ha quế khoảng 4000 cây, 03 con trâu và 80 con gà, 03 gian nhà gỗ, 12 con lợn. Nhà và ruộng, đồi quế giấy tờ đã mang tên chồng em hết, nếu em ly hôn thì sẽ khỏi nhà chồng với 02 bàn tay trắng với một đứa con tàn tật, còn 03 đứa lớn khôn biết giúp đỡ gia đình thì chồng em nhận nuôi tất. Tôi tiếp nhận đơn mà lòng trăn trở quá, tài sản nhiều, con đông vậy mà cuộc hôn nhân lại không giá thú, tài sản lại đứng tên người chồng hết. Biết tính sao chẳng lẽ lại để người phụ nữ làm việc quần quật như trâu ngựa phục vụ cuộc sống gia đình mà đến khi ly hôn lại ra đi bàn tay trắng với một đứa con tàn tật. Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ, tôi đã gặp cả hai vợ chồng chị Mừ để giải thích và áp dụng luật Hôn nhân, gia đình vào vụ việc. Sau khi nghe cán bộ trợ giúp phân tích lẽ phải, người chồng chị Mừ đã nhất trí để chia đôi tài sản cho chị Mừ và để chị Mừ nuôi hai đứa con theo nguyện vọng của họ. Tuy cuộc hôn nhân tan vỡ nhưng chị Mừ vẫn thầm cảm ơn cán bộ, nhờ được trợ giúp pháp lý kịp thời mà bản thân chị và các con không bị thiệt thòi khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân không giá thú.

Với trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, khi kết hôn là thách cưới, lễ cưới là bạc là trâu. Khi ly hôn thì lại yêu cầu người phụ nữ phải bồi hoàn lại những đồ sính lễ trước kia mà nhà gái đã nhận. Chị Cư Thị Pàng ,xã Bản Phố lệ xệ bụng bầu 7 tháng đến gặp cán bộ trợ giúp bày tỏ: Chồng em mấy tháng nay đi theo một người đàn ông khác (dân đồng tính) không quan tâm đoái hoài gì đến em cả, không chịu làm ăn chỉ hái hoa, bắt bướm cùng người đàn ông nọ. Em muốn ly hôn nhưng nhà chồng yêu cầu em bồi thường trả cho họ 30.000.000 ( ba mươi triệu tiền sính lễ trước kia đã mang sang nhà em). Nếu không có sính lễ bồi thường thì em phải chấp nhận cuộc hôn nhân hờ hững sống chung với người chồng đồng tính, cán bộ giúp em với.

        Sau khi tiếp nhận vụ việc cán bộ trợ giúp đã thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của chị, vận dụng những chính sách pháp luật  để tư vấn giải quyết vụ việc tại Toà án cho chị Pàng. Hai tuần sau, chị Pàng vui mừng gặp lại cán bộ khoe rằng: May quá chị ạ em đã ly hôn xong rồi mà cũng không phải bồi thường sính lễ đồng nào cho nhà chồng cán bộ ạ.

       Đó là một vài vụ việc điển hình trong công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng cao, ngoài ra còn vô vàn những vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, tranh chấp dân sự xảy ra trên địa bàn sống chủ yếu với phong tục lạc hậu. Với chúng tôi những người làm công tác trợ giúp pháp lý, luôn lắng nghe và thấu hiểu hoàn cảnh của người được trợ giúp pháp lý mà vận dụng pháp luật để tháo gỡ tư vấn pháp luật tốt nhất cho họ. Trong 09 tháng đầu năm  tổng số vụ việc giải quyết của Chi nhánh số 2 và cộng tác viên TGPL là 173 vụ với 19 đợt lưu động tại thôn bản. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn. Biết rằng đời sống của người dân được thay đổi toàn diện thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng những người làm trợ giúp pháp lý như chúng tôi cũng có phần đóng góp sức lực của mình vào công cuộc đổi mới ở những vùng quê.

                                                                            Trần Diệp Bích

                                                                        Phòng Tư pháp huyện Bắc Hà – tỉnh Lào Cai

Xem thêm »