Lai Châu: Hội đồng phối hợp liên ngành Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng họp đánh giá kết quả năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

15/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để đánh giá kết quả hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong năm 2014, ngày 06/01/2015 tại Hội trường Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã họp tổng kết dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Quang Tản - Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng.

Tại buổi họp, các đồng chí thành viên, Tổ thư ký của Hội đồng đã được nghe trình bày báo cáo của Hội đồng và trực tiếp tham gia vào nội dung báo cáo kết quả công tác của Hội đồng trong năm 2014 và nhiệm vụ của năm 2015. Tại buổi họp các thành viên và Tổ thư ký của Hội đồng đã tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, những tồn tại hạn chế cũng như các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ghi nhận, hoạt động tham gia đại diện, bào chữa cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý luôn nhận được sự quan tâm của Sở Tư pháp, các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan tố tụng đã đánh giá cao vai trò của Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện việc đại diện, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý. Ngay từ đầu năm 2014, Công an, Tòa án và VKSND tỉnh đã quán triệt đến các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân, Toà án, Công an các huyện, thành phố, tiến hành triển khai Luật TGPL và Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xác định việc phối hợp với cơ quan trợ giúp pháp lý là để cùng nhau thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng được trợ giúp pháp lý có hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt trên địa bàn.

Công tác kiện toàn Hội đồng theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT ngày 4/7/2013 được thực hiện tốt.Trong năm 2014, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu đã cử 100% Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, đã ban hành 103 Quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện bào chữa, bảo vệ cho 143 đối tượng...

- Về chất lượng tham gia tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý đã nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tranh tụng, kiến thức pháp lý bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã giúp cho các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án được khách quan, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động Tư pháp, hạn chế được oan sai, bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người nghèo, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số. Trợ giúp viên pháp lý không vi phạm đạo đức nghề nghiệp,

- Kết quả kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý đã chỉ ra những tồn tại: Nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của một số cơ quan chưa đầy đủ, dẫn đến việc tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý còn chưa đồng bộ và thống nhất, việc giải thích quyền được TGPL cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hình sự ở các giai đoạn thực hiện chưa thường xuyên, việc tuyên truyền giải thích còn chung chung… Số lượng vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý tham gia còn ít. Số lượng vụ việc có yêu cầu TGPL ngày càng cao, nhưng sự tham gia của Trung tâm còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân…

Tại buổi họp các thành viên đã chỉ rõ các nguyên nhân và kiến nghị để nâng cao vai trò của Hội đồng, Tổ thư ký và Trung tâm TGPL nhà nước như: Trung tâm phải tham mưu cho Hội đống ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất về TGPL trong phạm vi toàn tỉnh, phải thiết kế mẫu sổ sách phù hợp cho công tác thống kê báo cáo, vì hiện nay không có biểu mẫu thống kê nên không thể thực hiện được thống kê khi có yêu cầu. Cần phải quan tâm, bổ sung đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, với số lượng có 04 người như hiện nay thì không thể thực hiện hết các nhiệm vụ trong phạm vi toàn tỉnh. Các thành viên của Hội đồng có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp đối với cơ quan tố tụng cấp huyện thuộc ngành quản lý, tạo sự phối hợp có hiệu quả trong hoạt động TGPL; Qua công tác kiểm tra liên ngành, các thành viên đã chỉ rõ công tác phối hợp còn chưa tốt, mang tính hình thức và chủ quan, cần có sự chỉ đạo thực hiện nghiêm túc vì đây là chính sách xã hội của nhà nước; Trung tâm trợ giúp pháp lý cần nâng cao vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng, thường xuyên liên hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, đề xuất, kiến nghị với Hội đồng, thành viên của Hội đồng thuộc các ngành về vấn đề có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cần nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng tại phiên tòa…

Kết thúc buổi họp, đồng chí Chủ tịch Hội đồng đã ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của các ngành và mong rằng các đồng chí thành viên và Tổ thư ký quan tâm hơn nữa đến công tác TGPL, để thực hiện tốt hơn chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước đối với những người yếu thế trong xã hội.

                                                                       Nguyễn Công Hưởng 

Xem thêm »