Công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ của người được trợ giúp pháp lý, thực hiện nguyên tắc tranh tụng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa để tăng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, qua đó khẳng định công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng là việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Thực hiện chương trình phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình năm 2015, các ngành thành viên Hội đồng phối hợp đã tổ chức quán triệt đến các đơn vị trong toàn ngành về các quy định của Luật TGPL, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC cho đội ngũ những người tiến hành tố tụng. Qua đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của công tác TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã giải thích các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng và quyền được TGPL cho người bị tạm giam, tạm giữ, bị cáo và đương sự biết. Do vậy, tỷ lệ người dân biết về TGPL ngày càng tăng lên, góp phần bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp - với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai việc phối hợp từng thành viên là các cơ quan tiến hành tố tụng, thường xuyên chỉ đạo Trung tâm TGPL phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lắp bảng tin, hộp tin về TGPL, phối hợp với các Hội, đoàn thể truyền thông về hoạt động TGPL, cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quán triệt đến cán bộ của ngành mình chủ động giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo biết về quyền được TGPL nếu họ thuộc đối tượng được TGPL.
Trong năm 2015, cụ thể là từ (01/10/2014 đến 30/09/2015), Trung tâm và Chi nhánh TGPL số 01 đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho 59 trường hợp với 59 vụ việc, chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội trong các vụ án hình sự, thẩm định, đánh giá chất lượng 25 vụ việc TGPLđảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL theo đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng thực hiện nghiêm túc việc cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên do Trung tâm TGPL cử. Trong năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cả hai cấp tỉnh, huyện đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho 112 trường hợp, trong đó có 59 trường hợp thuộc đối tượng được TGPL, còn lại là các đối tượng khác.
Bên cạch đó, Trung tâm đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 và Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.
Có thể nói, trong năm 2015, Trung tâm TGPL thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư công tác viên đã có trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL, các thủ tục hành chính được giải quyết thuận lợi. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số hạn chế: số lượng vụ việc TGPL được thực hiện chỉ tập trung vào giai đoạn xét xử và ở các vụ án hình sự, các vụ việc chủ yếu là Luật sư cộng tác viên thực hiện, số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý tham gia ít; công tác thông tin về đối tượng thuộc diện TGPL của một số cơ quan chưa kịp thời; kinh phí UBND tỉnh dành cho hoạt động TGPL nói chung, TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, trong năm 2016, Trung tâm tiến hành đẩy mạnh triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT đến người dân ở cơ sở, nâng cao nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan; đảm bảo 100% đối tượng đều có Trợ giúp viên, Luật sư là cộng tác viên tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý của các thành viên trong Hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể. Đồng thời củng cố hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội./.
Đoàn Thị Ngọc Hải
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình