Nâng cao hiệu quả kiến nghị thi hành pháp luật ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ

04/02/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Việc kiến nghị thi hành pháp luật là việc làm quan trọng và cần thiết nhằm góp phần bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu về thủ tục hành chính, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng thi hành công vụ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong đó nòng cốt là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có các cơ sở, căn cứ: kết quả giải quyết vụ việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý; phát hiện cán bộ, công chức nhà nước cố tình làm sai, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý trong khi giải quyết vụ việc; phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.    

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc khi nhận được văn bản kiến nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, trừ trường hợp pháp luật có quy định về thời hạn trả lời. Trong trường hợp quá thời hạn nói trên mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời thì Trung tâm trợ giúp pháp lý được kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó để có biện pháp chỉ đạo, xử lý.

          Xác định rõ ý nghĩa và các cơ sở pháp lý trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ luôn tích cực triển khai hoạt động kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến các địa phương. Theo thống kê, trong 05 năm vừa qua, Trung tâm đã ban hành 86 kiến nghị bằng văn bản gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó kiến nghị về kết quả giải giải quyết vụ việc là 78 văn bản, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật là 08 văn bản. Ngoài ra, mỗi năm, có khoảng hơn 100 kiến nghị được Trung tâm đưa ra trong các báo cáo trợ giúp pháp lý lưu động sau khi kết thúc các đợt công tác. Nhiều vụ việc kiến nghị được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, kịp thời đã đảm bảo tốt quyền lợi hợp cho những người được trợ giúp pháp lý, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần bồi đắp lòng tin của quần chúng nhân dân vào hệ thống cơ quan công quyền.

Điển hình là các vụ việc: (1) Vụ việc kiến nghị với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết chế độ chính sách cho bà Phạm Thị Hợp (Xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là vợ liệt sỹ; (2) Vụ việc kiến nghị với Bộ Tư lệnh Quân sự Quân khu 2 về việc hỗ trợ khó khăn cho gia đình ông Lưu Trung Định (Xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) là thương binh; (3) Vụ việc kiến nghị với Trường Đại học Văn hóa Hà Hội về việc miễn giảm học phí cho con ông Lã Xuân Khoát (Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thuộc diện người nghèo ở xã.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, số vụ việc kiến nghị được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết và trả lời theo quy định còn ít (chiếm khoảng 20%). Một số vụ việc chỉ trả lời theo hình thức làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý và quyền lợi của người dân.

Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động kiến nghị, góp phần bảo đảm tốt nhất quyền lợi hợp pháp của các đối tượng trợ giúp pháp lý thì cần có đồng bộ những giải pháp khoa học, chính xác đặt ra. Cụ thể là: (1) Hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ chế định kiến nghị thi hành pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật; (2) Khi xây dựng văn bản kiến nghị cần tập trung vào vấn đề trọng tâm, cơ sở pháp lý và thực tiễn đưa ra phải có tính thuyết phục cao; (3) Tăng cường cơ chế phối hợp giữa mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc rà soát, thống kế, đánh giá chất lượng công tác kiến nghị; (4) Có biện pháp chấn chỉnh, xử lý xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần, trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị; (5) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành đối với chính sách trợ giúp pháp lý, trong đó có trách nhiệm giải quyết kiến nghị; (6) Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý; (7) Nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo uy tín và sức hút mạnh mẽ đối với các cơ quan, ban, ngành và mọi người dân.

                                                Đoàn Hữu Văn

       Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Thọ

Xem thêm »