Bình Thuận: Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

12/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được Chủ tịch Hội đồng phê duyệt từ đầu năm, ngày 10/12/2019, Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận chủ động tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Về tham dự Hội nghị tập huấn có đồng chí Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thay mặt Chủ tịch Hội đồng phát biểu khai mạc Hội nghị. Cùng với sự tham gia của các đồng chí là là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đang công tác tại các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân trong tỉnh, các đồng chí cán bộ đang làm việc tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, các đồng chí đang làm tại bộ phận tiếp công dân của các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án cùng những người thực hiện trợ giúp pháp lý là các Trợ giúp viên pháp lý và các Luật sư cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận.

Như chúng ta đã biết, Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, người chưa thành niên, đồng bào dân tộc thiểu số…là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt chủ trương này, không chỉ trách nhiệm riêng của Ngành Tư pháp mà cần sự phối hợp chung của toàn xã hội trong đó vai trò của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đóng vai trò hết sức quan trọng.

 Trong những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh nhà đã triển khai và thu được nhiều kết quả, hàng ngàn lượt người dân được tư vấn pháp luật, hàng trăm người dân được các Trợ giúp viên pháp lý, các Luật sư cộng tác viên bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí tại Tòa án. Tại các cơ quan Công  an, Viện kiểm sát, Tòa án đều phân công cán bộ phụ trách công tác trợ giúp pháp lý, các diện người được trợ giúp pháp lý do các cơ quan thành viên trong Hội đồng giới thiệu đến Trung tâm, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước ngày càng nhiều, 100% các diện người được trợ giúp pháp lý đều được Trung tâm Trợ giúp pháp lý phân công tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho họ. Để có được những thành quả đó chính là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử vụ án.

Tại Hội nghị, các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; các văn bản hướng dẫn thi hành luật Trợ giúp pháp lý; Thông tư liên tịch số 10/2018/ TTLT- BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019  của Bộ Công an cũng được các Báo cáo viên tập trung phân tích sâu kỹ và làm rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của từng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư giúp họ hiểu sâu sắc hơn hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước và trách nhiệm từng người trong thực hiện nhiệm vụ.

 Hy vọng với những kiến thức mang đến từ Hội nghị tập huấn lần này, trong thời gian tới việc triển khai thực thi công tác trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước sẽ phát huy và thu được nhiều kết quả cao hơn. Làm tốt điều này là góp phần chung cùng trách nhiệm giúp người nghèo, người có công với cách mạng, người chưa thành niên phạm tội, người khuyết tật, người già, đồng bào dân tộc thiểu số… giảm bớt khó khăn, giúp thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa và thực hiện chính sách xóa nghèo pháp luật trong nhân dân.

                                                               Kiều Châu - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận

Xem thêm »