Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2014 của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã có Kế hoạch và Chương trình công tác cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, năm 2014 các hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh đã góp phần cùng với các cấp, các ngành tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật ngay tại cơ sở cho người dân người được TGPL, đồng thời tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Trong năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 85 đợt TGPL lưu động, trong đó tổ chức 151 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật với 13.465 người dự. Trong đó có 04 đợt dành riêng cho người khuyết tật, với 219 người tham dự. Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Trường THCS tổ chức 05 đợt sinh hoạt chuyên đề pháp luật, với trên 5.268 học sinh và giáo viên tham dự. Năm 2014, Trung tâm đã thực hiện 2004 vụ việc TGPL, trong đó tư vấn pháp luật: 1.749 vụ việc, tham gia tố tụng 243 vụ. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 167 vụ, Luật sư cộng tác viên thực hiện 76 vụ.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Kế hoạch số 35/2014 của UBND triển khai thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Định (ngày 09/11/2014) Trung tâm đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL tại Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn cho tất cả người dân có nhu cầu trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Về dự buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có: 404 người. Thực hiện tư vấn pháp luật 22 vụ việc. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức soạn thảo, biên tập, kiểm duyệt, in ấn và phát hành trên 12.000 tờ gấp pháp luật. In và lắp đặt mới 09 Bảng Thông tin TGPL về người khuyết tật tại các Chi hội người khuyết tật.
Điều đặc biệt đáng được quan tâm, là năm đầu tiên thực hiện Quyết định của Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không chỉ góp phần tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL mà còn góp phần nâng cao nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật. Điểm nhấn quan trọng khác nữa là, có thể nói đối với một số trường hợp liên quan đến hoạt động tố tụng, nhưng không thuộc diện bắt buộc theo pháp luật tố tụng, do vậy phần lớn số vụ việc không có người bào chữa, bảo vệ. Trong năm 2014, TAND các cấp đã xét xử trên 5.300 trường hợp, trong đó số vụ việc có người bào chữa, bảo vệ trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự chỉ chiếm khoảng 11%. Trong đó, Luật sư tham gia 333 trường hợp, TGPL thực hiện 243 trường hợp. Song có thể nói đối với nhiều trường hợp là người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đã được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, phối hợp với Trung tâm trong việc kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia thực hiện bào chữa, bảo vệ. Tuy chưa nhiều, song đó là những tín hiệu tích cực cho thấy, bước đầu sự nhận thức chung của các lực lượng xã hội trong việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trên lĩnh vực tố tụng đã nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc có người bào chữa, bảo vệ cho nhóm người yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người trước pháp luật. Bảo đảm vụ án tiến hành đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh được oan sai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL cũng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Đó là: Một số hoạt động còn hình thức, chưa thật sự có những tác động tích cực như: Hoạt động câu lạc bộ TGPL, hoạt động của các cộng tác viên TGPL, công tác truyền thông cũng còn bất cập, hạn chế. Công tác TGPL lưu động là một trong những hoạt động hiệu quả, thiết thực nhất trong việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật ngay tại cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho người dân ngay tại cơ sở, nhưng chưa được phủ kín, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa hoặc TGPL lưu động cho nhóm đối tượng đặc thù…
Để góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác TGPL, năm 2015 các hoạt động TGPL sẽ tăng cường đẩy mạnh hơn nữa đối với TGPL lưu động, nhất là tổ chức tư vấn pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù, có nhiều vướng mắc và dễ phát sinh hiện tượng tiêu cực xã hội. Phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể, quần chúng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bảo đảm ít nhất trên 90% số người thuộc diện được TGPL, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người chưa thành niên được TGPL... Tăng cường công tác truyền thông về TGPL. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ phối hợp với các ngành, Đoàn Luật sư tỉnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng người người thực hiện TGPL đảm bảo chất lượng tham gia các hoạt động TGPL, nhất là hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng cho người được TGPL/.
Huỳnh Văn Chưa
Trợ giúp viên pháp lý