Vai trò của trợ giúp pháp lý với nạn nhân bị bạo lực gia đình

27/02/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, có lẽ đã xuất hiện từ rất lâu, tồn tại trong tư tưởng nho giáo trọng nam, khinh nữ. Song hành cùng cuộc sống hiện đại, hành vi bạo lực gia đình không còn gói gọn trong việc chà đạp thể chất, thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà còn là bạo lực về tinh thần. Người phụ nữ với bản tính cam chịu, không dám chia sẻ, quan niệm vợ chồng đóng cửa bảo nhau, xấu chàng thì hổ ai, rồi thì vạch áo cho người xem lưng nên nhẫn nhục, chịu đựng. Do vậy, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn có cơ hội tồn tại, phát triển…

Đối tượng phụ nữ bị bạo lực gia đình phần lớn kiến thức về pháp luật mà đặc biệt là kiến thức về luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật Bình đẳng giới còn hạn chế. Nên khi có vụ việc bạo hành gia đình xảy ra, các chị em không biết phải làm sao, giải quyết như thế nào, cũng như các cách tự bảo vệ mình trước hành vi bạo lực gia đình.

Với sự quan tâm, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các ban ngành đoàn thể, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã và đang thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần không nhỏ vào công tác trợ giúp pháp lý, tuyền truyền giáo dục pháp luật, nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ; phòng, chống BLGĐ và buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Hàng năm, Trung tâm phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động,  tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật kết hợp TGPL cho hàng nghìn lượt người tham dự, chủ yếu là nội dung văn bản pháp luật mới ban hành, sửa đổi hoặc các lĩnh vực pháp luật liên quan đến cuộc sống hàng ngày của chị em như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân - gia đình, luật Bình đẳng giới, luật Phòng, chống bạo lực gia đình.. . các vướng mắc liên quan đến pháp luật của chị em được cán bộ TGPL đã tư vấn, giải thích một cách tận tình, chu đáo.

Cuối năm 2014, Trung tâm TGPL đã tiến hành bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là nạn nhân của bạo lực gia đình- chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1974, trú tại Thành phố Uông Bí. Ngày 25/9/2014, chị L có đến phòng trọ của chồng là Bùi Mạnh Cường sinh năm 1962 tại phường Quang Trung (lúc này 2 vợ chồng đang ly thân). Do nghi ngờ vợ có quan hệ bất chính nên Cường đã có hành vi dùng dây điện trói tay chân, dùng áo buộc miệng và dùng dao cắt bộ phận sinh dục của chị L, làm chị bị tổn hại sức khỏe 18%. Sau khi nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã tích cực làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng và liên quan, tiến hành cử Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị L. Ngày 25/12/2004, Tòa án nhân dân thành phố Uông Bí đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo Bùi Mạnh Cường 36 tháng tù do phạm tội Cố ý gây thương tích, áp dụng khoản 2 (với các tình tiết định khung quy định tại các điểm a và i  khoản 1) Điều 104; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ Luật Hình sự.

Bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra ở rất nhiều nơi. Để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi này cần có sự vào cuộc không chỉ của các cấp ngành, các tổ chức, xã hội mà còn của chính các chị em là nạn nhân bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới.

Chính vì lẽ đó, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật, trợ giúp pháp lý cho chị em phụ nữ về nội dung bạo lực gia đình, bình đẳng giới là vô cùng cần thiết. Việc trợ giúp pháp lý trên không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức về hành vi bạo lực gia đình cho chị em qua đó có cách phòng, chống hiệu quả mà Trung tâm trợ giúp pháp lý còn là địa chỉ uy tín, tin cậy  tư vấn cho chị em khi có vụ việc như: đưa ra cách giải quyết tốt nhất, hướng dẫn chị em tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cung cấp thông tin, tờ gấp, các văn bản pháp luật liên quan tới bạo lực gia đình; bình đẳng giới.

Cần có nhiều hơn nữa các Chương trình phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cũng như các hội các cấp ngành khác. Phòng chống bạo lực gia đình không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan nào mà cần có sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội.

Trần Cường - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ninh

Xem thêm »