Kết quả công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

03/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cải cách Tư pháp với trọng tâm là hoạt động xét xử của Tòa án, mở rộng tranh tụng, xác định đúng vị thế, vai trò đại diện của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích cơ bản của công dân…là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/02/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.

 

Sự ra đời của Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 4/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 11) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của những người làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, góp phần thực hiện chủ trương của Cải cách tư pháp. Thông tư liên tịch số 11 đã tạo cơ sở pháp lý và các yếu tố thực tiễn cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng các dịch vụ TGPL miễn phí trong hoạt động tố tụng.

Triển khai Thông tư liên tịch số 11, trong năm 2014, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin, cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật về TGPL do Trung tâm TGPL nhà nước cung cấp tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận khi có nhu cầu TGPL. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng tổ chức 01 Hội nghị tập huấn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về kỹ năng thực hiện TGPL và các  văn bản pháp luật mới trong các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình.

Với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Trung tâm) phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh tổ chức, triển khai các hoạt động theo Thông tư liên tịch số 11 để đảm bảo tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng thuộc diện được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự…Các thủ tục cử, cấp giấy chứng nhận người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên được tiến hành thuận lợi. Các mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh và danh sách, địa chỉ, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên được gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ tạo điều kiện thuận lợi khi có yêu cầu TGPL. Sự phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng càng ngày càng chặt chẽ, kịp thời.  Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh, huyện đã chủ động yêu cầu Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Chẳng hạn, tại các cơ quan điều tra, các cán bộ điều tra chủ động liên lạc kịp thời với Trung tâm đề nghị cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên để trợ giúp pháp lý cho những đối tượng thuộc diện TGPL ngay từ giai đoạn điều tra, thẩm vấn. Ngày càng có nhiều đối tượng được các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm để hoàn tất thủ tục yêu cầu TGPL hoặc đề nghị Trung tâm cử người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Trên cơ sở Công văn đề nghị TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh và Đơn yêu cầu của người được TGPL, trong năm 2014, Trung tâm đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho 33 trường hợp với 33 vụ việc. Nhờ làm tốt công tác phối hợp nên số vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng đã tăng lên đáng kể so với năm trước.

Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 11 đã tạo ra cơ chế phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng một cách chặt chẽ và có hiệu quả, không chỉ thống nhất được quan điểm, phương pháp và cách thức phối hợp mà còn tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các Sở, ngành thành viên của Hội đồng, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trong quá trình tham gia tố tụng, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho đông đảo người dân thuộc diện được TGPL, tác động tích cực đến quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng được thực hiện có kết quả tốt còn góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách TGPL trong hoạt động tố tụng. Từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, có ý thức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành thành viên thông qua việc giúp người dân tìm hiểu các quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng, giới thiệu, hướng dẫn người dân đến các tổ chức thực hiện TGPL để được tư vấn, hướng dẫn, cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình theo quy định của Thông tư liên tịch số 11; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, ngày càng được chú trọng và quan tâm hơn. Vì vậy, các nhiệm vụ phối hợp được đề ra trong Thông tư liên tịch số 11 và kế hoạch hoạt động hàng năm của liên ngành đã được tổ chức thực hiện đạt kết quả cao và hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra. Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng tăng lên so với năm trước, chất lượng vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên thực hiện tại các cơ quan tiến hành tố tụng từng bước được đảm bảo, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đoàn Thị Ngọc Hải

Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »