Ngày 10/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Mặc dù được đưa ra thảo luận lần đầu nhưng dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình về một số vấn đề lớn để làm rõ hơn nội dung đã nêu tại dự thảo Luật.
Làm rõ bản chất hoạt động TGPL do Nhà nước tổ chức thực hiện với các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Nghệ An nhất trí với việc dự thảo Luật đã phân biệt được hoạt động TGPL do Nhà nước tổ chức thực hiện với các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí khác đang bị nhầm lẫn trong thời gian qua.
Đại biểu nhấn mạnh: “về phạm vi và hình thức TGPL, theo Luật TGPL năm 2006 thì TGPL được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có cả việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, theo đó hai hoạt động này được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất cụ thể trong toàn hệ thống chính trị, xã hội như các cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hành nghề pháp luật, v.v... Như vậy, việc tiếp tục giao cho tổ chức TGPL thực hiện cả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải sẽ gây chồng chéo, trùng lắp và ảnh hưởng đến tính chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa của hoạt động TGPL”.
Để làm rõ hơn, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bến Tre đã phân tích như sau: Hiện nay, có nhiều hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý: dịch vụ pháp lý có thu phí của luật sư, dịch vụ pháp lý được cung cấp trong nội bộ tổ chức, dịch vụ pháp lý thiện nguyện, miễn phí và TGPL của chúng ta đang nói đến. Đối tượng TGPL của chúng ta trong luật này là người có công, đối tượng yếu thế trong xã hội và được thực hiện bằng nguồn lực ngân sách.
Cùng quan điểm đó, Đại biểu Trần Thị Hiền, Hà Nam bày tỏ sự tán thành quy định về hình thức TGPL trong dự thảo Luật: “Chỉ nên quy định ba hình thức TGPL là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật. Đây là thời điểm cần định hình hoạt động TGPL về đúng bản chất của nó là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp hướng vào trọng tâm đáp ứng nhu cầu cần được TGPL của những số phận, những con người cụ thể khi gặp khó khăn về pháp lý”.
Cân nhắc việc mở rộng người được TGPL với pháp luật liên quan
Một số đại biểu (đại biểu: Ngô Thị Minh - Quảng Ninh, Huỳnh Thanh Cảnh - Bình Thuận, Hoàng Văn Hùng - Thái Nguyên,Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận) đề nghị mở rộng đối tượng được TGPL phù hợp với pháp luật hiện hành và mở rộng cho một số đối tượng yếu thế khác.
Tranh luận lại các ý kiến trên, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, Đại biểu Cúc cho biết nếu theo ý kiến của một số Đại biểu khác để mở rộng đối tượng hơn nữa thì “không thể Nhà nước nào trợ giúp được”.
Mục tiêu nâng cao chất lượng TGPL
Các đại biểu đều tán thánh với mục tiêu cần tập trung nâng cao chất lượng TGPL, đặt người được TGPL là trung tâm của hoạt động TGPL. Đặt trong điều kiện nguồn lực tài chính của nước ta còn hạn chế thì cần tính đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, bảo đảm tính khả thi của Luật để chính sách nhân văn này thực sự đi vào cuộc sống.
Về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bến Tre cho rằng: Vấn đề nâng cao chất lượng TGPL là rất quan trọng và đây là nội dung đã được xin ý kiến Bộ Chính trị thông qua khi đề xuất đổi mới công tác TGPL. Đặc biệt, để áp dụng nguyên tắc bảo đảm tranh tụng theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cho nên đòi hỏi người thực hiện TGPL vừa phải có hiểu biết, vừa phải có kỹ năng nghề nghiệp, không để những người yếu thế tiếp tục hưởng những dịch vụ kém cỏi, những đối tượng đã là người thiệt thòi mà TGPL kém chất lượng là không được.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Bình Thuận, cho rằng giải pháp quan trọng và có tính đột phá là vấn đề về con người, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng của Trợ giúp viên pháp lý.
Xã hội hóa hoạt động TGPL với đặc thù là một dịch vụ công hoàn toàn không có thu phí
Đại biểu Nguyễn Văn Luật, Kiên Giang cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân.
Đại biểu Luật làm rõ hơn: Quy định của dự thảo luật cơ bản đã làm rõ được hai vấn đề, thứ nhất sự khác biệt cơ bản giữa xã hội hóa hoạt động TGPL và xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng, giám định thừa phát lại. TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước cung cấp TGPL cho các đối tượng thụ hưởng nhưng không thu tiền và lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được TGPL. Thứ hai, cần quan tâm đến vấn đề xã hội hóa chủ thể thực hiện TGPL. Hiện nay, với trên 10.000 luật sư hoạt động trong cả nước thì đây được coi là lực lượng tiềm năng để thực hiện TGPL có chất lượng. Đồng thời, vấn đề xã hội hóa về nguồn lực cũng cần được xem xét đặt ra đúng mức, tổ chức cá nhân tham gia TGPL dùng nguồn lực của mình không cần dùng đến nguồn lực của Nhà nước, nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Bắc Giang đề nghị đối với những trường hợp vụ việc không quá phức tạp, hoàn toàn có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên hoặc những người có kinh nghiệm tư vấn pháp luật ở cộng đồng.
Cùng quan điểm với đại biểu Hà, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, Hoà Bình bày tỏ quan điểm, nếu xã hội hóa thì phải mở rộng các đối tượng có thể tham gia, kể cả các hoạt động thiện nguyện hay bảo vệ lợi ích của các đoàn viên, hội viên của mình.
Tiếp tục đổi mới tổ chức trợ giúp pháp lý
Các đại biểu tán thành quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự thảo Luật đó là tinh gọn, nâng cao hiệu quả tổ chức TGPL của Nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác TGPL.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Nghệ An đồng tình cao với Chính phủ về ý tưởng xây dựng một mô hình TGPL tinh gọn, chuyên nghiệp hóa và chất lượng cao. Việc cắt các chi nhánh TGPL từ lâu được coi là “chân rết của trung tâm TGPL” thực sự là một ý tưởng rất mạnh dạn.
Đại biểu Trần Thị Hiền, Hà Nam cũng nêu quan điểm tán thành việc không quy định về chi nhánh TGPL như một cơ cấu cứng, một tầng lớp trung gian của Trung tâm TGPL nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, khắc phục sự cồng kềnh về tổ chức, hoạt động kém hiệu quả của các chi nhánh như tờ trình đã phân tích. Từ quan điểm này, đại biểu Hiền nhất trí với giải pháp rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh TGPL được quy định tại Điều 48 dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền phát biểu tại Hội trường
Về vấn đề này, đại biểu K’Choi - Đăk Nông, đề nghị nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức chi nhánh của trung tâm TGPL Nhà nước đã được thành lập trước đây thì vẫn cần phải quy định trong Luật làm cơ sở hợp lý cho Chi nhánh hoạt động.
Bộ trưởng giải trình ý kiến Đại biểu Quốc hội
Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến Đại biểu quốc hội nhằm làm rõ hơn các vấn đề được quy định trong Dự thảo Luật.
Đưa TGPL về đúng bản chất: Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng Luật TGPL năm 2006, lúc đó điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội và hệ thống pháp luật chưa đồng bộ cho nên Luật TGPL hiện hành “ôm đồm” trong phạm vi điều chỉnh. Từ đó đến nay đã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau ban hành như Nghị định 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013… Với dự án Luật TGPL (sửa đổi), Chính phủ muốn căn chỉnh để phân sân rõ ràng, trả lại TGPL đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng. Cần xác định xã hội hóa được thì tốt, nếu không đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Bộ trưởng cho biết “quy định đối tượng được TGPL của Việt Nam là rộng nhất thế giới”. Rộng so với quy định của các công ước quốc tế và rộng so với quy định của Luật TGPL của các quốc gia. Chính sách của chúng ta rất nhân văn, nhiều đối tượng chính sách. Bởi vậy, Ban soạn thảo mong muốn cho quay trở lại đúng bản chất của TGPL là cho những đối tượng được xác định rõ ràng là những người thuộc đối tượng chính sách, người thuộc diện yếu thế; phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định các đối tượng về cơ bản là giữ các đối tượng được TGPL như luật hiện hành, đồng thời rà soát và bổ sung đủ về diện các đối tượng khác, nhưng tiêu chí cơ bản là không có khả năng chi trả tài chính.
Về chất lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh “Chúng ta đang cố gắng để người nghèo, đối tượng chính sách, những người được thụ hưởng pháp lý được một dịch vụ pháp lý về cơ bản sẽ được tiến tới như người bình thường”, bảo đảm người được TGPL không bị thiệt thòi khi tiếp cận công lý. Về trình độ và yêu cầu đối với Trợ giúp viên pháp lý (hiện có khoảng 600 người), hầu hết đã đạt tiêu chuẩn như trong dự thảo, chỉ thêm quy định về việc tập sự hành nghề. Việc đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với các tổ chức, cá nhân là phải có lực lượng chuyên nghiệp như luật sư hoặc tư vấn viên pháp luật có kinh nghiệm làm việc thường xuyên tại tổ chức nhằm bảo đảm tính ổn định và chất lượng TGPL.
Về xã hội hóa, cần lưu ý ở đây không hiểu theo nghĩa xã hội hóa như trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục (khối ngoài nhà nước làm và thu tiền). Xã hội hóa ở đây không hiểu theo nghĩa Nhà nước có một khoản kinh phí, thay vì chuyển từ chỗ này sang chỗ khác làm. Xã hội hóa ở đây là thu hút các tổ chức xã hội nếu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng bằng nguồn lực của mình thì tham gia cùng thực hiện dịch vụ. Ở đây có điểm mới là huy động lực lượng xã hội tham gia TGPL có sự hỗ trợ của nguồn lực nhà nước qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL với tổ chức và chi trả kinh phí, tạo sự hấp dẫn để huy động các cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm, uy tín nhằm đa dạng hóa chủ thể cung cấp dịch vụ.
Từ các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật./.
Nhóm Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam