Ninh Bình: Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

12/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các hình thức trợ giúp pháp lý khác nhau đã đạt được những kết quả nhất định, tuy chưa thực sự chuyên sâu nhưng bước đầu đã tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Ngay sau khi có Quyết định số 640/QĐ-BTP ngày 21/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch năm 2014 triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, chủ yếu thông qua các hoạt động như tư vấn pháp luật, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trung tâm đã cử các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được kết hợp thực hiện thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động hướng về cơ sở, tập trung chủ yếu giới thiệu về Luật Người khuyết tật, diện người khuyết tật được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, chế độ bảo trợ của tỉnh đối với diện người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, đồng thời phát hàng nghìn tờ gấp pháp luật có nội dung về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật …Thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho 14 trường hợp chủ yếu thuộc các lĩnh vực pháp luật về chính sách cho người khuyết tật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật còn gặp không ít khó khăn như: điều kiện kinh tế xã hội ở một số vùng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều người khuyết tật chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý hoặc biết nhưng không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ này do điều kiện khách quan mang lại; đối với những người bị các dạng tật như câm, điếc, mù…họ chỉ sinh hoạt ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên khó khăn trong giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ cho họ tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; đa phần người khuyết tật đều có thái độ mặc cảm, thiếu tự tin trước đám đông, không thể tự mình chủ động tiếp cận với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu hoặc khi đã tiếp cận thì không thể tự trình bày mà cần phải có người khác giúp đỡ, do vậy phần nào đã ảnh hưởng đến việc nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của người yêu cầu trợ giúp pháp lý; do ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa bố trí kinh phí riêng nên hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật chưa mang tính chuyên sâu. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được lồng ghép thực hiện trong các chương trình như Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo và ngân sách địa phương.

Khắc phục những khó khăn trên, để đảm bảo cho mọi người khuyết tật đều được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch năm 2015 triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật nhằm triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

         Đoàn Thị Ngọc Hải

    Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »