Những Bài học kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý sau 08 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

18/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội. Sau 08 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý công tác trợ giúp pháp lý (gọi tắt là TGPL) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng yếu thế khác, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Trong 08 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý như: Tư vấn pháp luật, cử Luật sư cộng tác viên pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp pháp lý lưu động, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, hướng dẫn nghiệp vụ đối với hoạt động Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc,…Đến nay, Trung tâm đã thực hiện hoàn thành 9.860 vụ việc TGPL, đạt 95% trong tổng số vụ việc thụ lý; tổng số người được TGPL là 10.260, trong đó, có 3.276 người nghèo, 2.058 người có công với cách mạng, 4.440 người đồng bào dân tộc thiểu số, 352 trẻ em, 20 người già, 26 người khuyết tật và 93 đối tượng khác; tổ chức thành công 785 đợt TGPL lưu động về cơ sở (với 47.100 người tham dự), mở 41 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL, thành viên Câu lạc bộ TGPL (với 3.412 người tham dự); thành lập 154/184 Câu lạc bộ TGPL… Qua các đợt TGPL lưu động, Trung tâm TGPL đã thực hiện tư vấn 5.410 vụ việc cho các đối tượng, lắp đặt 342 Bảng thông tin về TGPL, cấp phát miễn phí 117.511 tờ gấp pháp luật và 1.560 tài liệu pháp luật khác cho người dân.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã rút ra được những bài kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, chính quyền; sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp và Cục Trợ giúp pháp lý; sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chuyên mục, trang tin về trợ giúp pháp lý trên các kênh thông tin đại chúng để mọi người dân, tổ chức biết đến tổ chức và hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý; lồng ghép hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở với chương trình, đề án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan làm công tác xóa đói, giảm nghèo, công tác dân tộc với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; vận động, kêu gọi và có chính sách khuyết khích các tổ chức tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý; phát triển mạng lưới cộng tác viên cấp xã theo hướng đáp ứng ngày càng cao nhu cầu trợ giúp pháp lý của đối tượng;

Thứ ba, đổi mới chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL (tập trung tập huấn các kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng); tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện vụ việc TGPL, nhất là kinh nghiệm trong hoạt động tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý;

Thứ tư, kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo hướng đáp ứng ngày càng tốt và kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng; đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Luật sư tham gia tố tụng;

Thứ năm, thường xuyên quan tâm công tác đãi ngộ, đảm bảo các chế độ, chính sách về thu nhập cho đội ngũ viên chức Trung tâm, nhất là đối với viên chức đang công tác tại Chi nhánh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để họ yên tâm công tác;

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo Bộ tiêu chuẩn do Bộ Tư pháp ban hành;

Thứ bảy, đảm bảo nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động trợ giúp pháp lý diễn ra thường xuyên và liên tục, đáp ứng được nhu cầu của hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương./.

                                                                                                          Phạm Thanh Quang (PTQ)

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Ngãi

Xem thêm »