Ngày 28/6/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2134/BTP-TGPL về việc thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022). Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện các hoạt động như sau:
1. Về nội dung trợ giúp pháp lý quy định tại Tiểu dự án 2 (Truyền thông về giảm nghèo đa chiều) của Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin)
a) Mục tiêu quy định tại Tiểu dự án 2 là “Nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý”.
b) Đối tượng quy định tại Tiểu dự án 2 là: “Người nghèo, người dân tại các địa bàn thực hiện chương trình; các tổ chức và cá nhân có liên quan”: Đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý, trong các đối tượng nêu trên, cần chú trọng truyền thông cho các đối tượng là người dân, người nghèo, người yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung quy định Tiểu dự án 2 là: “Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới”: Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý cụ thể là: Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng trợ giúp pháp lý; tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Các hoạt động có thể thực hiện nội dung trên là:
- Biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp trợ giúp pháp lý, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý, cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý, sổ tay trợ giúp pháp lý và các ấn phẩm tài liệu trợ giúp pháp lý khác về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý cho người dân ở các địa phương, chú ý người dân ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý phủ sóng ở các địa phương, trong đó có các tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
- Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về trợ giúp pháp lý để hướng dẫn người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người dân biết về trợ giúp pháp lý và cách thức để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.
2. Về nội dung trợ giúp pháp lý quy định tại Tiểu dự án 1 (Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình) của Dự án 7 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình)
a) Mục tiêu quy định tại Tiểu dự án 1 là: “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững”. Đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý là: nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.
b) Đối tượng quy định tại Tiểu dự án 1 là: “Cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; các tổ chức và cá nhân có liên quan”. Trong các đối tượng trên, lĩnh vực trợ giúp pháp lý cần chú trọng nâng cao năng lực cho các đối tượng là: người thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động truyền thông, thông tin cho người dân về trợ giúp pháp lý và giới thiệu nhu cầu trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
c) Nội dung quy định tại Tiểu dự án 1 là “Nâng cao kiến thức kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý”. Các hoạt động có thể thực hiện nội dung trên là:
- Tổ chức tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế để nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Tập huấn điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, công chức Phòng Tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác), tổ chức và cá nhân có liên quan tại các địa phương, trong đó có các tỉnh có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;
- Bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm hoặc luân phiên theo địa bàn cho cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
3. Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trên cơ sở kinh phí của Chương trình được cơ quan có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Tư pháp. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện hoạt động phù hợp với nội dung trợ giúp pháp lý trên cơ sở kinh phí của Chương trình được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương phân bổ.
Trong quá trình triển khai nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình có thể thực hiện phối hợp các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.
Lê Thúy
File đính kèm: