Khánh Hòa : Tăng cường Trợ giúp pháp lý vùng khó khăn

15/04/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai thực hiện Kế hoạch công tác Quý I-2015, trong các ngày 20 và 27.3.2015, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) tổ chức đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại thôn Ninh Đảo và thôn Khải Lương.

Vạn Thạnh là xã đảo của huyện Vạn Ninh. Xã có 6 thôn – 2 thôn bán đảo (Đầm Môn và Vĩnh Yên) và 4 thôn đảo (Khải Lương, Ninh Tân, Điệp Sơn và Ninh Đảo), toàn xã có 1507 hộ với 6178 nhân khẩu nhưng phân bổ không đều, chủ yếu dân sống tập trung ở 2 thôn bán đảo. Cuộc sống của người dân trong xã, nhất là các thôn đảo, chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản và đánh bắt ven bờ, do vậy phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên thu nhập cũng bấp bênh, nuôi tôm có năm được năm lỗ, đánh bắt cá giờ cũng khó khăn, nguồn lợi thủy sản không còn dồi dào như trước đây. Giao thông đi lại giữa các thôn với đất liền chỉ bằng ghe đò. Trình độ học vấn của người dân nhìn chung còn thấp, nhận thức pháp luật vì vậy cũng hạn chế. Tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động ở thôn Ninh Đảo vào ngày 20.3, Đoàn công tác của Trung tâm trợ giúp pháp lý đã giới thiệu đến người dân trong thôn về tổ chức, hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh của Trung tâm cùng những nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Tiếp đến, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã tổ chức triển khai việc xin ý kiến về 10 vấn đề cần lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi và thông báo việc sẽ tiếp nhận các giấy tờ đăng ký hộ tịch cho người dân sau buổi trợ giúp pháp lý.

Sau khi nghe tuyên tryền pháp luật, nhiều thắc mắc của người dân như việc pháp luật phân định như thế nào về tài sản chung – tài sản riêng của vợ chồng, rồi muốn đăng ký kết hôn lần 2 (sau khi vợ chết) cần phải làm những thủ tục gì, người khuyết tật (bị câm, điếc) có được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước hay không, gia đình thuộc hộ nghèo có phải đóng góp các khoản nghĩa vụ hay không, gồm những khoản nào …Từng vướng mắc của người dân đã được các Trợ giúp viên pháp lý, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã tận tình giải đáp, hướng dẫn cặn kẽ, qua đó, những vướng mắc lâu nay không biết hỏi ai của người dân trên đảo đã được giải tỏa. Ngoài ra, tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động, cán bộ Đoàn công tác đã phát hơn 100 tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân tham dự…

 

Ông Hồ Văn Điều, Trưởng ban công tác mặt trận thôn cho biết, thôn Ninh Đảo có 147 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản và đánh bắt ven bờ. Trên đảo chưa có điện lưới quốc gia, chỉ có một trường tiểu học và trạm y tế, giao thông đi lại thông qua ghe đò nên cuộc sống của người dân địa phương vì vậy còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là mỗi khi có việc cần đến Ủy ban xã để chứng thực các giấy tờ. Do đó, mỗi lần có đoàn công tác ra như thế này rất tiện cho bà con vì vừa được nghe thông tin mới về chủ trương chính sách của Nhà nước, vừa có cán bộ xã kết hợp giải quyết các giấy tờ cho dân như việc đăng ký khai sinh, khai tử, rà soát hộ chính sách, hướng dẫn giấy tờ…

Ở thôn Khải Lương, buổi trợ giúp pháp lý diễn ra ngày 27.3 đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân trên đảo. Các thắc mắc của người dân về những vấn đề hộ tịch như thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, cần phải làm gì để xin cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sau khi giấy cấp lần đầu đã quá 6 tháng; rồi vấn đề xin nhập hộ khẩu, xin cấp lại bản chính giấy khai sinh …đã được các Trợ giúp viên pháp lý và cán bộ tư pháp xã giải đáp thỏa đáng, có một số thắc mắc của người dân được cán bộ tư pháp xã hướng dẫn cách thức điền biểu mẫu theo quy định, tiếp nhận hồ sơ ngay tại chỗ và hẹn ngày gửi trả kết quả cho người dân. Chị Trần Thị Kim Hoàng, công chức Tư pháp – Hộ tịch xã cho biết: “giao thông đi lại khó khăn nên mỗi lần xuống thôn mình cố gắng giải quyết ngay tại chỗ những vấn đề đơn giản, hướng dẫn bà con điền đầy đủ các mẫu biểu theo quy định để có thể tiếp nhận hồ sơ cho họ. Còn việc trả kết quả thì nhờ gửi đò ra đảo hoặc khi có cán bộ thôn vào xã họp rồi gửi về luôn.” Cũng tại đây, người dân địa phương đã được phát gần 150 tờ gấp pháp luật về Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những đối tượng được trợ giúp pháp lý, pháp luật về phòng, chống mua bán người, về bình đẳng giới.

Tâm sự với chúng tôi, một người dân nói: Ở đây có gì không hiểu là hỏi cán bộ thôn, có lúc họ giải thích mình cũng chưa thông nhưng đâu biết gặp ai để nhờ, vào xã thì xa quá, lâu lâu mới đi một lần. Rất mong các cấp thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác ra đảo để người dân có thêm hiểu biết, giúp dân tháo gỡ vướng mắc về pháp luật.

Kết thúc các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, chính quyền xã, thôn và người dân hai thôn đảo rất hài lòng với kết quả của Đoàn công tác, mong muốn Trung tâm trợ giúp pháp lý thường xuyên tổ chức các đợt lưu động tại thôn để tư vấn, giải đáp thắc mắc pháp luật đồng thời giúp người dân nơi đảo xa có thêm thông tin về các quy định pháp luật mới do nhà nước ban hành.

                 Hải Tuấn

Xem thêm »