HỘI THẢO THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

13/07/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 12/7/2017, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) đã tổ chức Hội thảo thảo luận về một số vấn đề của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

 

 

Tham dự Hội thảo có đại diện của Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ ngành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao; đại diện Văn phòng dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện; Lãnh đạo một số Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trợ giúp viên pháp lý, đại diện của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và đại diện các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Cù Thu Anh- Phó Cục Trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, sau khi nghe đồng chí Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày đề xuất một số nội dung của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Trợ giúp pháp lý và đại diện của Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trình bày tham luận, các đại biểu tích cực tham gia góp ý đối với 05 vấn đề được Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 giao Chính phủ hướng dẫn: về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm; về chế độ, chính sách của Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp; việc cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các nội dung sau:

Về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý - đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham gia Hội nghị. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều nhất trí với hướng tiếp cận quy định vấn đề này trong dự thảo Nghị định, tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu chi tiết hơn, cụ thể hơn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Về chế độ, chính sách của Trợ giúp viên pháp lý; thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký kết hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: các đại biểu đều cho rằng quy định hiện hành về các vấn đề này là phù hợp, đề nghị cân nhắc bổ sung phụ cấp thâm niên cho Trợ giúp viên pháp lý để khuyến khích các cán bộ gắn bó với trợ giúp pháp lý. Đối với mức bồi dưỡng vụ việc cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với công sức mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã bỏ ra nhằm khuyến khích, huy động cá nhân, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.

Đối với thủ tục thanh toán thù lao, bồi dưỡng vụ việc và chi phí khi thực hiện trợ giúp pháp lý: các ý kiến đề nghị quy định về thủ tục thanh toán cần bảo đảm nguyên tắc tài chính mà vẫn tạo thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia tại Hội nghị, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Ban soạn thảo để có những định hướng xây dựng Nghị định có chất lượng trình Chính phủ ban hành, bảo đảm phù hợp với thực tiễn triển khai, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho các địa phương áp dụng.

                             Trần Phượng

Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý

 

 

Xem thêm »