Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, ngày 10/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 – 2030 kèm theo Quyết định số 1334/QĐ-BTP.
Với mục đích bảo đảm cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng, hiệu quả theo quy định của pháp luật, Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 – 2030 (Kế hoạch) đã quy định nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý hướng đến đối tượng người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
Theo đó, một trong các hoạt động được chú trọng trong Kế hoạch là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, đặc biệt trong các vụ việc người cao tuổi bị bạo lực, bạo hành, bị ngược đãi. Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng cho người làm công tác trợ giúp pháp lý, Kế hoạch quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở Trung ương và địa phương (Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp) hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho người làm công tác trợ giúp pháp lý với yêu cầu đặt ra là: bảo đảm trên 80% cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi được tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.
Để giúp người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính có thể nắm bắt thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp họ tiếp cận được với chính sách nhân văn này, trong Kế hoạch cũng đề ra hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đối tượng này được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tổ chức điểm truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính ở cơ sở; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan lồng ghép việc truyền thông trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính với các chương trình, đề án khác về người cao tuổi ở địa phương, nhất là tại xã, phường, thị trấn nơi người cao tuổi sinh sống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động truyền thông để tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; Biên soạn và phát hành các ấn phẩm với nhiều hình thức có nội dung về chính sách trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; Tổ chức các hoạt động về trợ giúp pháp lý trọng tâm nhân “Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam” (6/6), “Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam” (Tháng 10), và Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) hàng năm… các hoạt động truyền thông này phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức, bảo đảm phù hợp với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính sinh sống ở các vùng miền trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi…tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Đồng thời, để bảo đảm tính hiệu quả trong việc triển khai thực hiện, Kế hoạch cũng quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và nguồn kinh phí để bảo đảm cho việc thực hiện triển khai Kế hoạch.
Có thể nói, chăm sóc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi là một trong những chính sách được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và một trong số đó là chính sách bảo đảm cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý
File đính kèm: