Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 và được chỉ đạo triển khai thi hành theo Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ Tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật TGPL đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác TGPL.
Ngay sau khi Luật TGPL được ban hành, tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời xây dựng và hoàn thiện các thể chế để triển khai thực hiện Luật TGPL có hiệu quả như: Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL, Chỉ thị tăng cường công tác TGPL; phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước; Quyết định thành lập 02 Chi nhánh TGPL thuộc Trung tâm TGPL nhà nước; Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước… Tổ chức tập huấn, quán triệt Luật TGPL cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành ở cả 3 cấp của tỉnh, đồng thời chỉ đạo Sở tư pháp kiện toàn tổ chức bộ máy TGPL; ban hành các kế hoạch thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển TGPL của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch triển khai thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…
Việc tổ chức quán triệt nội dung cơ bản của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn được tổ chức thường xuyên hàng năm thông qua các Hội nghị, chương trình công tác hàng năm và thông qua các cuộc TGPL lưu động, buổi sinh hoạt câu lạc bộ TGPL, điểm TGPL lưu động, tại trụ sở nơi thực hiện TGPL, các hộp tin TGPL và thông qua bảng thực hiện TGPL được đặt tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trụ sở tiếp dân, tại các nhà văn hóa nơi thường xuyên có những buổi sinh hoạt cộng đồng, trên các chuyên mục pháp luật và đời sống, báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện, xây dựng và biên soạn các tờ rơi, tờ gấp pháp luật phát miễn phí nhân dân trong tỉnh.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu TGPL cho người được TGPL, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng Công tác phát triển mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL. Tỉnh đã thành lập 02 chi nhánh TGPL đặt tại 02 huyện miền núi là Lập Thạch và Tam Đảo, kiện toàn bộ máy Trung tâm với 04 phòng chuyên môn. Thành lập 27 câu lạc bộ TGPL, 16 điểm TGPL lưu động đặt tại phòng tư pháp các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Đội ngũ cộng tác viên thực hiện TGPL của tỉnh được quan tâm và có chính sách thu hút, đến nay toàn tỉnh có 72 Cộng tác viên là chuyên viên pháp lý, cán bộ tư pháp, pháp chế các ngành, luật sư, luật gia, am hiểu kiến thức xã hội, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm thực tiễn tích cực tham gia TGPL với tư cách là Cộng tác viên, Trong đó có 11 Cộng tác viên là luật sư. Các Cộng tác viên làm công tác pháp luật hiện đang công tác tại các sở, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm TGPL của tỉnh để thực hiện các buổi TGPL lưu động, các buổi hòa giải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật tại cơ sở.
08 năm triển khai thi hành Luật TGPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng như: Thực hiện TGPL 12.334 vụ, việc cho 12.332 người được TGPL. Trong 12.334 vụ việc, tham gia tố tụng là 721 vụ, (tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra là 54 vụ việc); đại diện ngoài tố tụng 62 việc; kiến nghị 32 việc; hòa giải 11 việc; ngoài ra là các hình thức khác như tư vấn miệng, tư vấn văn bản, tư vấn qua điện thoại và qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động... Trong tổng số 12.332 người được TGPL trong đó có 4.562 người nghèo, 3.324 người có công, 1.255 người dân tộc thiểu số, 624 trẻ em, 174 người già, 166 người khuyết tật, 04 người thuộc diện nạn nhân của tội mua bán người, đối tượng khác 2.223 người.
Thực hiện khảo sát nhu cầu TGPL của nhân dân địa phương và tổ chức thành công 438 cuộc TGPL lưu động tại xác xã, phường, thôn, làng, với hàng vạn lượt người tham dự. In và phát hành 112.300 tờ rơi, tờ gấp pháp luật tại các buổi TGPL lưu động, các buổi phối hợp tuyên truyền pháp luật. Thông qua TGPL bằng các hình thức đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong các vụ việc cụ thể.
Qua kiểm tra và thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, các vụ việc TGPL đều được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu về tuân thủ pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội, việc lập hồ sơ vụ việc TGPL đáp ứng được các yêu cầu đặt ra như: Hồ sơ được lập, quản lý theo đúng quy định của pháp luật, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, dễ tra cứu, khai thác và sử dụng; đồng thời hồ sơ vụ việc đã thể hiện đầy đủ, chính xác, đúng quy trình thực hiện vụ việc TGPL theo hình thức, trình tự thời gian, nội dung khách quan của vụ việc và kết quả thực hiện TGPL. Việc tự đánh giá về chất lượng vụ việc TGPL của các Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn đánh giá quy định tại Bộ tiêu chuẩn đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Sau 08 năm triển khai thi hành Luật TGPL ở tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần nâng cao ý thức pháp luật, giải tỏa những vướng mắc pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, giúp giữ vững anh ninh trật tự địa phương. Trong công tác TGPL luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn. Sự phối hợp giữa các ngành là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.... Do vậy, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các cấp chính quyền và nhất là của những người được TGPL trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó góp phần quan trọng thực hiện thành công các chủ trương, chính sách xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đồng thời có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội.\
Kim Thanh: Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc