Ngày 08/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (sau đây gọi là Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg). Sau gần 05 năm triển khai thực hiện, các địa phương đã đạt được kết quả cụ thể như sau:
- Hoạt động hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình
Ngân sách trung ương đã hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thực hiện hơn 13.000 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Ngân sách của các địa phương tự cân đối được ngân sách bảo đảm cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý mà không phân biệt phức tạp hoặc điển hình.
Việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình đã trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, góp phần cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng được được trợ giúp pháp lý một cách khách quan, công khai, đúng người và đúng tội.
- Hỗ trợ đào tạo nghề luật sư và tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Nhằm nâng cao số lượng, chất lượng Trợ giúp viên pháp lý, nhất là ở các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 171 viên chức của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia khóa đào tạo nghề luật sư với cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về. Đồng thời, có 177 lớp tập huấn đã được tổ chức với hơn 16.000 người tham dự nhằm trang bị cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung các kiến thức chuyên sâu về Luật Trợ giúp pháp lý cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, người nghèo, trẻ em...
- Truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Hầu hết các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh sống tại vùng có giao thông không thuận tiện được hướng dẫn, trao đổi về các vướng mắc về pháp luật.
Ngoài ra, để người dân biết về quyền được trợ giúp pháp lý, thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý nhanh nhất, các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã và tổ chức hơn gần 7.000 đợt truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý ở cơ sở để trực tiếp giới thiệu các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người dân.
Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg được ban hành trên cơ sở khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg, tiếp tục duy trì những hoạt động còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung những hoạt động không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
- Nhận thức về trợ giúp pháp lý của một số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống tại vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; một số cơ quan, ban, ngành và chính quyền cơ sở vẫn còn chưa nhiệt tính phối hợp thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn ít, nhất là ở vùng có nhiều huyện nghèo, xã nghèo; việc giới thiệu và chuyển gửi vụ việc tham gia tố tụng ở một số nơi chưa được thực hiện đầy đủ; số lượng vụ việc tham gia tố tụng ở một số địa phương vẫn còn hạn chế so với số lượng vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý và giải quyết trên địa bàn.
- Một số hoạt động chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương nên khó triển khai trên địa bàn như: hỗ trợ truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở 2.000.000đ/xã chưa phù hợp cho các địa bàn xa trung tâm; số lượng viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được hỗ trợ học phí tham gia khóa đào tạo nghề luật sư còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của một số địa phương, đặc biệt là địa phương có số lượng người được trợ giúp pháp lý lớn, số lượng viên chức của Trung tâm chưa được đào tạo nghề luật sư còn nhiều; chưa có quy định về duy trì, bảo trì đường dây nóng,…
- Ngân sách địa phương còn khó khăn nên chưa hỗ trợ đủ kinh phí để thực hiện hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở, xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã tại tất cả các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, do đó hoạt động này chưa được thực hiện đồng bộ tại một số địa phương.
- Một số địa phương tự cân đối ngân sách có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa bố trí kinh phí riêng hoặc bố trí kinh phí chưa đầy đủ để triển khai toàn bộ các hoạt động đặc thù theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg trên địa bàn.
Để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nêu trên và nhằm bảo đảm được quyền trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo với các giải pháp cụ thể như sau:
- Rà soát, đánh giá hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đã thực hiện thời gian qua để nghiên cứu, xây dựng các hoạt động hỗ trợ giai đoạn mới trên cơ sở kế thừa những hoạt động còn phù hợp, sửa đổi những hoạt động không còn phù hợp, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở ngay tại địa bàn người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; nghiên cứu quy định mức hỗ trợ có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực tế triển khai tại các địa phương.
- Huy động sự tham gia của đội ngũ cán bộ, công chức và người có uy tín trong cộng đồng ngay tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn để truyền thông về trợ giúp pháp lý, phát hiện nhu cầu trợ giúp pháp lý và kịp thời hướng dẫn yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định.
- Tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, chú trọng phát triển lực lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương - những người am hiểu về phong tục tập quán hoặc thông thạo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền trợ giúp pháp lý của mình.
Trần Phượng - Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ TGPL