Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Tìm hiểu về các điều kiện đảm bảo cho vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công1. Khái niệm, đặc điểm vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Thuật ngữ vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL) tham gia tố tụng thành công lần đầu tiên được quy định tại văn bản quy phạm là Thông tư số 03/2021/TT-BTP , có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2021. Ngày 16/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt Quyết định số 1179/QĐ-BTP ban hành Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công (Quyết định 1179/QĐ-BTP). Quyết định 1179/QĐ-BTP đưa ra nguyên tắc để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công và 03 nhóm tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính.
Qua nghiên cứu, vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có các đặc điểm sau đây:
+ Vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công phải là vụ việc TGPL được xác định là kết thúc.
+ Là vụ việc có quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khác với quan điểm của một trong các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định pháp luật.
+ Được xác định bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
+ Kết quả xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được thể hiện bằng văn bản và được lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.
Như vậy, có thể hiểu vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là những vụ việc tham gia tố tụng kết thúc được xác định bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo những tiêu chí cụ thể nhằm giúp các tổ chức thực hiện TGPL đánh giá được hiệu quả công tác TGPL của người thực hiện TGPL thuộc tổ chức mình thực hiện, góp phần giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về TGPL kịp thời đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách để bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL.
2. Thực trạng các vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công và các điều kiện đảm bảo cho vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Sau hơn 05 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tập trung nguồn lực vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng, chất lượng trợ giúp pháp lý ngày càng cao. Nhiều vụ việc mà quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định pháp luật.
Từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022, toàn quốc đã có gần 24.000 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả (chiếm 29,6 % tổng vụ việc TGPL tham gia tố tụng), trong đó 85% vụ việc thành công do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện; 15% vụ việc thành công do Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện. Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua cho thấy, nhiều Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia các vụ việc tham gia tố tụng, góp phần bảo đảm công lý, bào chữa, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, từng bước tạo được uy tín và niềm tin của người dân vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước.
Trợ giúp viên pháp lý/luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với vai trò là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, kiến nghị, bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người khởi kiện, người bị kiện trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đã góp phần không nhỏ vào trong việc giải quyết vụ án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án, làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, bảo đảm quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý. Để ngày càng có nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công cần đảm bảo những yếu tố sau:
2.1. Năng lực của người thực hiện TGPL:
a. Có đạo đức nghề nghiệp
Đạo đức nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của vụ việc trợ giúp pháp lý. Đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm các quy định chung về đạo đức của bản thân người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các mối quan hệ giữa người thực hiện trợ giúp pháp lý với người được trợ giúp pháp lý, với đồng nghiệp, với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Chính những mối quan hệ này tạo nên sự thành công của vụ việc trợ giúp pháp lý. Vì vậy, mỗi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải ý thức được sứ mệnh của mình, biết giữ gìn phẩm chất và danh dự nghề nghiệp để tạo niềm tin và sự kính trọng từ người được trợ giúp pháp lý.
Người thực hiện TGPL cần tuân theo những quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý được quy định tại Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý quy định các chuẩn mực về hành vi, ứng xử của người thực hiện trợ giúp pháp lý (ban hành kèm theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
b. Có tư duy pháp lý tốt, kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định
Tư duy pháp lý là một yếu tố quan trọng của người học luật và cần thiết trong khi xử lý, giải quyết các vấn đề pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý. Tư duy pháp lý tốt sẽ giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý có cái nhìn toàn diện và nắm bắt được các vấn đề pháp lý cần phải giải quyết. Kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực mình hành nghề, sử dụng thuần thục các biện pháp nghiệp vụ sẽ giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Một người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp không phải là người có thể thực hành quá nhiều lĩnh vực nhưng không đi vào chuyên sâu mà là người tập trung phát triển và thực hành đỉnh cao tại lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Người thực hiện trợ giúp pháp lý không chỉ làm việc đơn thuần về chuyên môn, nhận câu hỏi, nghiên cứu pháp luật và đưa ra câu trả lời mà còn phải là người có cái nhìn toàn diện, hiểu biết về quá trình lập pháp, hiểu sâu sắc tại sao pháp luật lại quy định như vậy, có thể dự đoán được pháp luật sẽ thay đổi theo hướng nào. Ngoài ra cần phải có hiểu biết về xã hội, lịch sử, kinh tế, thị trường, đặc điểm ngành nghề, am hiểu về tâm lý của từng nhóm người được TGPL (nhất là các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, bạo lực, xâm hại...) để dự trù được những rủi ro có thể xảy ra cho người được TGPL.
c. Có kỹ năng viết lách, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục và lập luận sắc bén, khả năng tranh luận tại phiên tòa
Kỹ năng viết lách là một trong các kỹ năng quan trọng của người thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải có và nó ảnh hưởng rất lớn tới sự thành công của vụ việc trợ giúp pháp lý. Nội dung, hình thức của văn bản do người thực hiện trợ giúp pháp lý phát hành phần nào cũng đánh giá được tính chuyên nghiệp của người đó.
Bên cạnh đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt trong các vụ án có người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt... Kỹ năng giao tiếp thể hiện ở việc trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc, thái độ tự tin, bản lĩnh trong giao tiếp. Ngoài ra, kỹ năng tranh luận sắc bén là điều mà một người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp cần phải có. Tranh luận là khả năng nắm bắt các vấn đề trong vận dụng quy định pháp luật vào tình huống cụ thể của người được TGPL, từ đó đưa ra luận điểm nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề nào đó. Đây là một kỹ năng quan trọng của người thực hiện trợ giúp pháp lý.
2.2. Đảm bảo số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư để tham gia tố tụng
Tính đến hết năm 2022, 688 Trợ giúp viên pháp lý, 630 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, 125 luật sư tại các Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp, 316 luật sư tại tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Mặc dù số lượng trợ giúp viên pháp lý tăng nhưng so với nhu cầu về TGPL của người dân ngày càng tăng trong thực tế thì số lượng người thực hiện TGPL để tham gia tố tụng như hiện nay còn ít. Đặc biệt, hiện nay ở một số địa phương số lượng trợ giúp viên pháp lý có rất ít (Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Lai Châu,...), điều này gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động thực hiện vụ việc TGPL trên địa bàn nhất là đối với các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên... Số lượng luật sư tham gia trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Vì vậy, việc đảm bảo số lượng Trợ giúp viên pháp lý, luật sư để tham gia tố tụng, đáp ứng nhu cầu TGPL của người dân là một yếu tố quan trọng để làm nên một vụ việc trợ giúp pháp lý thành công.
2.3. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng
Công tác phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về TGPL là một yếu tố quan trọng để có vụ việc thành công.
Chính từ hoạt động phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Trung tâm và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà số lượng vụ việc TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng thông tin, thông báo đến Trung tâm ngày càng cao. Đa số các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghiêm túc thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện TGPL đã thông báo cho Trung tâm để Trung tâm xác minh nếu đúng diện người được TGPL thì cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia bào chữa hoặc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Trong quá trình tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã đảm bảo sự có mặt của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia trợ giúp pháp lý đúng theo quy định pháp luật tố tụng.
Không chỉ có hoạt động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được đẩy mạnh, trong thời gian qua công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn tỉnh cũng được các Trung tâm tích cực thực hiện. Các Trung tâm TGPL đã phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương, các tổ chức như Hội Luật gia; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc... để thực hiện truyền thông về TGPL hoặc giới thiệu hội viên đến Trung tâm.
2.4. Về kinh phí, cơ sở vật chất
Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho công tác TGPL về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu công tác, nhiều Trung tâm có trụ sở làm việc độc lập với Sở, một số Trung tâm được cấp xe ô tô phục vụ cho hoạt động TGPL tại cơ sở, bàn ghế, máy vi tính và các trang thiết bị phục vụ cho công việc được trang bị đầy đủ.Tuy nhiên, vẫn còn không ít Trung tâm chưa có trụ sở làm việc độc lập mà nằm chung trong khuôn viên của Sở Tư pháp, hạn chế về phòng làm việc khiến cho việc tiếp các đối tượng đến yêu cầu TGPL gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Những năm gần đây, trong số các khó khăn thì khó khăn về kinh phí là khó khăn lớn nhất do tất cả các Trung tâm đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Tình hình dịch bệnh Covid không chỉ ảnh hưởng đến việc cấp kinh phí mà nhiều hoạt động khác của các Trung tâm TGPL cũng bị ảnh hưởng như: hoạt động truyền thông tại cơ sở triển khai không bảo đảm theo kế hoạch đề ra, hoạt động tổ chức tập huấn cho đội ngũ người thực hiện TGPL bị ảnh hưởng...
2.5. Việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý
Việc tiếp cận trợ giúp pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên một vụ việc trợ giúp pháp lý thành công. Tuy nhiên, việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp có nơi, có lúc còn chưa được thuận lợi, dẫn đến chưa khai thác hết nhu cầu, tiềm năng vụ việc trợ giúp pháp lý. Người dân tiếp cận TGPL còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến: (1) nhận thức của người dân ở nông thôn còn chưa cao, nhiều cán bộ làm công tác truyền thông chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng về truyền thông thông qua những khóa đào tạo, tập huấn chuyên nghiệp; (2) ở một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, cần tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý, nâng cao trách nhiệm giải thích, thông báo, thông tin về TGPL của các cơ quan tiến hành tố tụng để người dân tiếp cận được TGPL được thuận lợi hơn.
2.6. Chế độ đãi ngộ đối với người thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công
Theo quy định pháp luật hiện hành, người thực hiện vụ việc tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng, thù lao như sau: Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc việc chi trả bồi dưỡng, thù lao cho người thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công khác biệt với các vụ việc tham gia tố tụng khác, cũng chưa có cơ chế vinh danh, khen thưởng cụ thể đối với người thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công. Trong khi đó, việc khuyến khích người thực hiện TGPL có vụ việc tham gia tố tụng thành công là một trong những động lực để thực hiện vụ việc một cách tích cực. Vì vậy, đây cũng là một yếu tố quan trọng của vụ việc tham gia tố tụng thành công.
3. Một số kiến nghị
3.1. Tăng cường các lớp tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như kỹ năng tiếp xúc, tư vấn; kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… cho người thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc.
3.2. Tiếp tục truyền thông về TGPL bằng các hình thức, phương thức đang hiệu quả như: truyền thông về cơ sở, hội nghị, hội thảo, truyền thanh, truyền hình…Tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng các hình thức, phương thức mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân như: mạng xã hội, hội thi tìm hiểu về trợ giúp pháp lý…
3.3. Cần bổ sung kinh phí nghiệp vụ, đặc biệt là cần có khoản kinh phí riêng và hàng năm chi cho vụ việc TGPL. Nghiên cứu cơ chế khen thưởng, tôn vinh, có mức thù lao, bồi dưỡng đặc biệt đối với người thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thành công. Tăng cường đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ở những tỉnh thiếu luật sư và ở những tỉnh có nhu cầu TGPL cao.
3.4. Tăng cường sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cần quan tâm tổ chức phối hợp có hiệu quả với tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện theo các nội dung đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 10, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng đạt hiệu quả cao. kịp thời thông tin, giới thiệu những người thuộc diện TGPL đến Trung tâm hoặc chi nhánh để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí.
Thanh Hà