Nam Định: 15 năm thực hiện công tác TGPL

16/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

15 năm - thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nam Định khẳng định được vị thế của mình và tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chung “trợ giúp pháp lý Việt Nam chuyên nghiệp, chất lượng, vì công lý của người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế trong xã hội”

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được thành lập ngày 16/6/2000 theo Quyết định số 1214/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định. Tuy ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhưng sau 15 năm nỗ lực không ngừng, hoạt động của Trung tâm đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, phụ nữ bị bạo hành… đồng thời, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Khi mới thành lập, Trung tâm có 01 đồng chí Giám đốc do Phó Giám đốc Sở kiêm nhiệm, 01 đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm và 01 Cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Đến nay, Trung tâm đã phát triển lớn mạnh về tổ chức với 13 Trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 01 Giám đốc chuyên trách, 01 Phó Giám đốc), 17 cộng tác viên là Luật sư, 06 Tư vấn viên pháp luật và 156 cộng tác viên khác tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tại 10 huyện, thành phố, 225 xã, phường, thị trấn và một số cơ quan, tổ chức đoàn thể… Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý vì thế cũng không ngừng tăng lên từ 219 vụ việc thực hiện trong năm 2001 đến nay mỗi năm Trung tâm đã thực hiện hàng nghìn vụ việc (năm 2013: 1.037 vụ việc; năm 2014: 1.585 vụ việc; 06 tháng đầu năm 2015: 829 vụ việc) để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý và góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật tới đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Qua 15 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý 16.961 vụ việc trong đó thực hiện tư vấn 15.865 vụ việc; tham gia tố tụng 923 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 132 vụ việc; hòa giải 41 vụ việc. Thực hiện khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý và tổ chức thành công 431 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn với hàng vạn lượt người tham dự. In và phát hành hơn 200.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật tại các buổi trợ giúp lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các hội nghị phối hợp tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt trong năm 2014 và đầu năm 2015, Trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Trước đây do số lượng trợ giúp viên còn ít, kinh nghiệm tham gia tố tụng hạn chế nên hoạt động này chủ yếu do cộng tác viên Luật sư thực hiện. Cùng với sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý thì đây là một trong những bước đi thiết thực để thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý do Trợ giúp viên thực hiện ngang bằng với dịch vụ của luật sư trên thị trường mà Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý 2015-2025 đã đề ra.

Qua kiểm tra và thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, các vụ việc đều được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu về tuân thủ pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. Công tác lập hồ sơ vụ việc đảm bảo các yêu cầu đặt ra, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, dễ tra cứu, khai thác và sử dụng. Việc tự đánh giá chất lượng vụ việc của Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn theo quy định về đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý không làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân; đa số đối tượng được trợ giúp pháp lý tỏ sự hài lòng về chất lượng và kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tích cực tham mưu cho Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương như: Quyết định số 596/QĐ-UBND thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; Quyết định số 2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Quyết định số 2410/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nam Định và Chi nhánh của Trung tâm, giai đoạn 2011 – 2015”; Quyết định thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy; Quyết định số 645/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trợ giúp pháp lý ở tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…Việc tổ chức quán triệt nội dung cơ bản về hoạt động trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn được tổ chức thường xuyên hàng năm qua các hội nghị, tập huấn, tọa đàm; các chuyên mục pháp luật và đời sống trên báo Nam Định, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện và thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các hộp tin và bảng thông tin về trợ giúp pháp lý được đặt tại trụ sở trụ sở tiếp dân của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giam, trại tam giữ, Ủy ban nhân dân cấp xã và những nơi thường xuyên có những buổi sinh hoạt cộng đồng.

Công tác sơ, tổng kết đánh giá kết quả triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý hàng năm và theo các giai đoạn được chú trọng, quan tâm. Tỉnh đã tổ chức tổng kết 05 năm triển khai Nghị định số 07/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; sơ kết 02 năm thực hiện Chiến lược trợ giúp pháp lý; tổng kết 08 thi hành Luật Trợ giúp pháp lý…

Vì vậy, sau 15 năm hình thành và phát triển, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nam Định đã góp phần nâng cao ý thức, giải tỏa những vướng mắc pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp, giữ vững anh ninh chính trị và trật tự địa phương. Hoạt động trợ giúp pháp lý cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các cấp, các ngành chính quyền và nhất là của những người được trợ giúp pháp lý. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách xoá đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương còn gặp một số hạn chế khó khăn như: cấp ủy, chính quyền ở một số cơ sở, đơn vị chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác trợ giúp pháp lý. Mức độ tiếp cận của người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đối với dịch vụ pháp lý miễn phí còn chưa đầy đủ. Trong nhiều năm qua, mặc dù Trung tâm đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với người dân nhưng do hạn chế về khả năng nhận thức nên không ít người chưa biết tới quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Vì vậy, khi có vướng mắc pháp luật, có tranh chấp phát sinh, họ không chủ động liên hệ với các tổ chức trợ giúp pháp lý để đề xuất và yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định. Mặt khác chức danh Trợ giúp viên pháp lý còn tương đối mới mẻ trong nhận thức của người dân nên tâm lý e dè, chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên còn phổ biến.

Để công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác ngày càng được hiệu quả, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, cần quan tâm những vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường năng lực cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý mà trọng tâm là tiếp tục củng cố kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm công tác trợ giúp pháp lý và khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật và các nguồn lực khác tham gia trợ giúp pháp lý.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động như bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên, cộng tác viên; giải quyết kịp thời các vụ việc kéo dài, phức tạp; thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đồng thời tăng cường hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động và các chế độ, quyền lợi cho người tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý…

Thứ ba, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý đặc biệt là các đối tượng đặc thù cần có phương pháp phù hợp để truyền tải chính sách, pháp luật đến với họ. Vì vậy, cùng với việc tăng cường các đợt trợ giúp lưu động về cơ sở thì phải xây dựng nội dung và trực tiếp tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú và dề hiểu.

Tóm lại, phát huy những kết quả đã đạt được cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên là động lực quan trọng thúc đẩy chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng tốt hơn để thực sự trở thành là địa chỉ tin cậy giúp đỡ pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý và là cầu nối giữa cơ quan xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật với công dân.

Trần Bình

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Nam Định

Xem thêm »