Trợ giúp pháp lý Quảng Ngãi góp phần xây dựng nông thôn mới

22/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo (có 06 huyện nghèo, 21 xã bãi ngang ven biển và hải đảo), điều kiện tinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 11% trong tổng số dân cư toàn tỉnh, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã chiếm tỷ lệ thấp. Song, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM và đẩy mạnh lồng ghép chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) với Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, các tiêu chí xây dựng NTM ở hầu hết các xã đều tăng, có xã tăng rất nhanh (xã Bình Dương của huyện Bình Sơn tăng 9 tiêu chí; xã Phổ Vinh của huyện Đức Phổ, xã Hành Minh và Hành Nhân của huyện Nghĩa Hành tăng 8 tiêu chí; xã Tịnh Trà của huyện Sơn Tịnh tăng 7 tiêu chí), bước đầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về NTM đã đề ra.

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2010 là xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ (với 19 tiêu chí: về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội được giữ vững). Mục tiêu hướng tới của Chương trình là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện hiệu quả nội dung, mục tiêu, tiêu chí về NTM theo Quyết định số 800/QĐ-TTg; Kế hoạch số 2611/KH-BTP ngày 03/4/2012 của Bộ Tư pháp về việc phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”; Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 25/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch số 1167/KH-UBND ngày 19/4/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 và hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Quảng Ngãi chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” (theo Kế hoạch số 09/KH-STP ngày 23/5/2012 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi), những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (Trung tâm) đã chủ động triển khai thực hiện và cụ thể hóa Chương trình xây dựng NTM bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền như: biên soạn và cấp phát miễn phí sách, cuốn hỏi đáp và tờ gấp pháp luật; tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân; tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với UBND cấp xã, các hội đoàn thể địa phương tổ chức các đợt TGPL lưu động về cơ sở, hướng dẫn cách thức tổ chức và nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL; cử Trợ  giúp viên pháp lý tham gia hòa giải ở cơ sở đối với những vụ việc dân sự, những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, hôn nhân và gia đình,…

Tính đến tháng 6/2015, Trung tâm đã thực hiện TGPL cho 8.340 đối tượng (thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn là 7.833 đối tượng thông qua các đợt TGPL lưu động và tại trụ sở Trung tâm, các Chi nhánh; tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là 507 đối tượng) là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người già, người khuyết tật, trẻ em…; tổ chức thành công 545 đợt TGPL về hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã điểm về xây dựng NTM (từ năm 2011 đến nay, Trung tâm tổ chức 05 đợt TGPL lưu động về xã Bình Dương – xã đạt chuẩn về xây dựng NTM của huyện Bình Sơn); cấp phát miễn phí  hơn 61.000 đầu sách, cuốn hỏi đáp và tờ gấp pháp luật (về hôn nhân, gia đình,thừa kế, đất đai, giao thông đường bộ, khiếu nại, tố cáo…) cho người dân đang sinh sống tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tham gia và hướng dẫn 67 Câu lạc bộ TGPL sinh hoạt đúng quy định, hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho người dân nói chung, nhận thức về xây dựng NTM nói riêng, đồng thời tạo sự đồng thuận trong người dân trong việc phấn đấu và hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí về xây dựng NTM; từ năm 2011 đến nay, thông qua các đợt TGPL lưu động và hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở, Trung tâm đã thực hiện lồng ghép 450 đợt tuyên truyền, phổ biến nhiều quy định pháp luật dưới hình thức báo cáo các chuyên đề pháp luật cho hơn 55.900 lược người dân dự nghe, đặc biệt là các chuyên đề về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề pháp luật mà người dân thường xuyên gặp phải trong cuộc sống hàng ngày như: Hôn nhân và gia đình, dân sự, đất đai, giao thông đường bộ, khiếu nại, tố cáo và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới,… để từ đó, giúp mỗi người dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, xác định được mục tiêu của việc xây dựng nông thôn mới là nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở nông thôn, nhất là người dân nông thôn ở các vùng núi và hải đảo.

Nhìn chung, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh, nhất là hoạt động TGPL lưu động về cơ sở đã góp phần giải tỏa những vướng mắc về pháp luật của người dân, hạn chế những phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; đưa các xã đang xây dựng NTM tăng dần số tiêu chí về xây dựng NTM và từng bước tác động tích cực đến nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc nâng cao trách nhiệm của mình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng NTM, qua đó, góp phần quan trọng vào việc thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, hiện đại và văn minh./.

PTQ

Xem thêm »