Thực hiện Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2018 (ban hành kèm theo Quyết định 2637/QĐ-HĐPH ngày 22/12/2017 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương), từ ngày 18/6 đến ngày 21/6/2018, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại hai tỉnh Kom Tum và Quảng Ngãi (Đoàn kiểm tra).
Tham gia Đoàn kiểm tra có ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án, Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn; bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm Phó trưởng đoàn và đại diện các Bộ, ngành thành viên: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo Kế hoạch, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Trại tạm giam của Công an tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại hai tỉnh Kom Tum và Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương). Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, báo cáo đã đánh giá được những kết quả đạt được về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) và kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đồng thời cũng thấy được những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, quá trình triển khai thực hiện hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra đã nghe Lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Trại tạm giam của Công an tỉnh và Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Kom Tum và Quảng Ngãi báo cáo công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cụ thể việc giải thích quyền của người được trợ giúp pháp lý; niêm yết Bảng thông tin, Hộp tin; niêm yết Tờ thông tin trong Buồng tạm giam, tạm giữ; việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng …Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn kiểm tra đã phát biểu, nêu ý kiến thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm.
Tại các buổi làm việc của Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Hội đồng đã có một số ý kiến trao đổi với Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương như: các cơ quan tiến hành tố tụng phải nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý, việc giải thích của người tiến hành tố tụng phải được sử dụng bằng ngôn ngữ dễ hiểu để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc rà soát, phát hiện người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tránh bỏ sót người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có nhu cầu trợ giúp pháp lý và có sự thống kê đối tượng được trợ giúp pháp lý từ giai đoạn điều tra; đồng thời tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp cần có sự chỉ đạo quyết liệt đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án, Tòa án nhân dân tối cao thay mặt Đoàn kiểm tra đã có một số kết luận, đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương; đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác trợ giúp pháp lý; yêu cầu Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương quán triệt sâu sắc hơn nữa đến các cơ quan tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý về vai trò của trợ giúp pháp lý trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của người được trợ giúp pháp lý nói riêng, cần giải thích cụ thể cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý và thông báo cho Trung tâm khi họ có yêu cầu hoặc thông tin cho Trung tâm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động Hội đồng địa phương và các ngành thành viên của Hội đồng để triển khai thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới./.
Hà Lê