Khánh Hòa tổ chức tập huấn nghiệp vụ Trợ giúp pháp lý

03/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vừa qua, tại thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL cho hơn 100 cộng tác viên TGPL, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL và đại diện các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã: Khánh Vĩnh, Vạn Ninh và Ninh Hòa. Ông Trần Quang Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Quang Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá, thời gian qua, các cộng tác viên TGPL, Câu lạc bộ TGPL trên địa bàn đã phát huy vai trò của mình, có những đóng góp tích cực trong việc đưa nội dung văn bản pháp luật vào cuộc sống ở cơ sở, giúp người dân thêm hiểu biết pháp luật để chấp hành đúng các quy định mà Nhà nước đặt ra. Việc tổ chức Hội nghị được lãnh đạo Sở quan tâm và Trung tâm duy trì tổ chức hàng năm. Năm nay, lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức có sự tham gia của các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư trong công tác TGPL. Bên cạnh việc giới thiệu những nội dung pháp luật thuộc chuyên đề pháp luật về đất đai, báo cáo viên của Đoàn Luật sư sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hành nghề trong lĩnh vực này với các đại biểu. Vì vậy, đề nghị các đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao trong việc tiếp thu các nội dung tập huấn, đồng thời, thẳng thắn trao đổi, nêu vấn đề còn vướng mắc trong thực tế hoạt động của mình tại cơ sở và cùng thảo luận để tìm ra cách giải quyết tốt nhất, phù hợp với quy định của pháp luật. “Lãnh đạo Sở mong muốn các đại biểu tiếp thu nhiều kiến thức mới, luôn nêu cao tinh thần chủ động trong công việc để có những đóng góp cụ thể, thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân nhằm giúp họ được hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các Luật sư cũng cần mạnh dạn trao đổi thẳng thắn những vấn đề mà đại biểu đặt ra để Hội nghị đạt được kết quả tốt đẹp, giúp các đại biểu có thêm nhiều kiến thức pháp luật mới, nắm bắt được những phương pháp tiếp cận và giải quyết vụ việc tốt nhất để công tác TGPL ở cơ sở ngày một phát triển tốt hơn.” Ông Trần Quang Bình nhấn mạnh.

                    

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe Luật sư Đỗ Thị Ngọc Mai giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai năm 2013[T1] , Luật sư Nguyễn Hồng Hà trao đổi một số kinh nghiệm của bản thân trong thụ lý và tham gia bảo vệ quyền lợi của người dân trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Ngay sau phần trình bày của các Luật sư, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về cách thức giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai ở cơ sở như việc tranh chấp lối đi giữa một bên cho hàng xóm đi nhờ qua đất của mình, sau đó người hàng xóm chuyển nhượng mảnh đất cho người khác nhưng không nói rõ lối đi này không thuộc quyền sử dụng của mình; có đại biểu nêu thắc mắc, đất ở ổn định của người dân tại địa phương gần 50 năm có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không? Rồi vấn đề người dân khai hoang trên đất của Doanh nghiệp nhà nước hơn 10 năm, khi Doanh nghiệp này cổ phần hóa thì phát sinh tranh chấp, người dân không chấp nhận việc bồi thường tài sản trên đất (cây nông nghiệp) thì phải giải quyết như thế nào?...từng thắc mắc đã được Luật sư và đại biểu trao đổi, viện dẫn các quy định của pháp luật để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Hà, việc giải quyết tranh chấp đất đai cần căn cứ vào các quy định tại Điều 202, 203 của Luật Đất đai năm 2013 và các Điều 88, 89, 90 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số của Luật Đất đai. Áp dụng điều luật nào, xác định thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào (cơ quan hành chính hay Tòa án) trong giải quyết tranh chấp có ý nghĩa rất quan trọng đến kết quả. Đặc biệt, người thực hiện TGPL giúp cho người dân phải cân nhắc, không phải vụ việc tranh chấp đất đai nào cũng hòa giải và để giải quyết tốt vụ việc tranh chấp thì đôi khi phải cần kết hợp, dẫn chiếu nhiều quy định khác nhau của Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Hôn nhân và gia đình. Luật sư Nguyễn Hồng Hà cũng đề nghị: “Điều quan trọng là hòa giải thành, vì như vậy người dân sẽ không phải tốn kém tiền bạc, thời gian và giữ được hòa khí trong cộng đồng, hàng xóm. Nếu hòa giải không thành, người thực hiện TGPL cần cân nhắc nên khởi kiện ra Tòa án hay khiếu nại đến cơ quan hành chính có thẩm quyền nào sẽ có lợi nhất cho người dân”.

                    

Cùng với các nội dung thuộc chuyên đề pháp luật về đất đai, Hội nghị đã được nghe các báo cáo viên của Trung tâm giới thiệu những nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về người khuyết tật, Hội nghị tập huấn còn tập trung nghiên cứu Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định của pháp luật về người khuyết tật và những kỹ năng cần thiết trong sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL. Qua khảo sát, nhiều đại biểu được hỏi cho biết nội dung tập huấn rất bổ ích với công việc của họ ở cơ sở, nhất là phần trao đổi, thảo luận cách giải quyết vụ việc với các Luật sư.

Được biết, theo kế hoạch công tác của Trung tâm TGPL, trong quý IV/2015 sẽ có thêm 02 Hội nghị được tổ chức cho đội ngũ cộng tác viên và thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL nhằm nâng cao chất lượng công tác TGPL ở cơ sở.

Hải Dương

Xem thêm »