Trợ giúp pháp lý Ninh Bình: Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp

21/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài cũng như các vụ khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, sự phối kết hợp nhịp nhàng với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh, cùng với việc bám sát chương trình công tác của ngành, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2014. Ngay từ đầu năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch công tác năm, hàng quý, hàng tháng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong đơn vị nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như hiệu quả trong công việc.

Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; trình Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh năm 2015, Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2015 và Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn năm 2015 theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg; Tham gia góp ý vào Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Dự thảo Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; xây dựng báo cáo Tổng kết 8 năm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Báo cáo kết quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.

Trong 06 tháng đầu năm, Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 420 người với 420 vụ việc (trong đó có 174 người nghèo, 112 người có công với cách mạng, 38 người dân tộc thiểu số, 08 người khuyết tật, 01 người già, 02 trẻ em, 16 người chưa thành niên, 04 người thuộc đối tượng khác và không thuộc diện được trợ giúp pháp lý là 65 người) chủ yếu thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, đất đai, lao động, chính sách xã hội và lĩnh vực pháp luật khác.

Hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở luôn được Trung tâm rất chú trọng và đẩy mạnh, Trung tâm đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh, Phòng Tư pháp và Hội Phụ nữ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức được 34 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 30 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, thực hiện tư vấn pháp luật cho 396 người với 396 vụ việc, đồng thời cấp phát miễn phí 4000 tờ gấp pháp luật cho nhân dân tham dự các buổi trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật với nội dung như: một số quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi cho người tâm thần, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Quyền sử dụng đất nông nghiệp, Bạn và thủ tục khởi kiện vụ án dân sự…

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, thị trấn đôn đốc, hướng dẫn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý duy trì sinh hoạt hàng tháng, cử cán bộ trực tiếp tham dự các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 44 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn định kỳ 01 lần/ tháng với 5.850 lượt người tham dự các buổi sinh hoạt.

Hoạt động tham gia tố tụng cũng là một trong những hoạt động mũi nhọn được Trung tâm đẩy mạnh thực hiện ngay từ những ngày đầu năm, trong 06 tháng đầu năm, Trung tâm đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng 17 vụ việc chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự và đối tượng được trợ giúp là người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: số lượng Trợ giúp viên pháp lý mặc dù được tăng cường, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại cơ sở; đội ngũ Cộng tác viên TGPL tuy đông đảo nhưng chất lượng chưa đồng đều, kỹ năng tư vấn pháp luật, TGPL trong hoạt động tố tụng còn hạn chế; một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác trợ giúp pháp lý nên chưa thật sự quan tâm đúng mức cho công tác này, do vậy việc thực hiện các đợt trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân tại cơ sở gặp không ít khó khăn và hiệu quả không cao…

Để đạt được thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch 2015, trong 06 tháng cuối năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý  nhà nước tỉnh Ninh Bình xác định: tiếp tục đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng nhất là việc thực hiện vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, duy trì công tác tiếp công dân, tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật ngay tại trụ sở của Trung tâm, in ấn và phát hành tờ gấp pháp luật phục vụ công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý, kết hợp thực hiện các đề án, kế hoạch trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người khuyết tật, người nhiễm HIV, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo; phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công việc của mỗi cán bộ, trong Trung tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đồng thời cũng là hành động thiết thực để hướng tới ký niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp./.

           Đoàn Thị Ngọc Hải

      Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »