Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn khảo sát về trợ giúp pháp lý tại Canada

10/09/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 1547/QĐ-BTP ngày 09/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn đi công tác nước ngoài (sau đây gọi là Đoàn công tác), từ ngày 13/8/2018 đến ngày 16/8/2018, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Trưởng Đoàn đã kết thúc thành công chuyến khảo sát về trợ giúp pháp lý tại Canada. Tham gia Đoàn còn có các thành viên là bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An; ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên; bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội; bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chánh văn phòng Cục Trợ giúp pháp lý và bà Hà Thị Phương Thảo, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. Theo Chương trình làm việc, Đoàn đã đến thăm và làm việc với cơ quan trợ giúp pháp lý và tòa án tại hai bang Vancouver và Ontario.

Tại Vancouver, Đoàn đã thăm và làm việc với cơ quan trợ giúp pháp lý (Legal Service Society); Tòa án cộng đồng ở Downtown (Downtown Community Court). Đoàn đã được ông Mark Benton - Giám đốc điều hành; bà Gulnar Nanjijuma - Thư ký; ông David Griffiths - Giám đốc phụ trách hình sự, nhập cư và khiếu nại; bà Sherry MacLennan - Phó Chủ tịch nhân viên thông tin và ứng dụng pháp luật; bà Janice Connick - Giám đốc phụ trách chi trả cho luật sư; bà Candice Lee - Giám đốc phụ trách phân phối kỹ thuật số; bà Sarah Mihailovich - Giám đốc phụ trách kiểm toán và điều tra; bà Jennifer Khor - Giám đốc phụ trách sáng kiến; ông Wayne Robertson - Giám đốc tổ chức quỹ pháp luật và bà SharonLockhart, thẩm phán, nhân viên tư vấn, luật sư trực của Tòa án cộng đồng đón tiếp, giới thiệu về hệ thống trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Vancouver.

Tại Ontario, Đoàn đã thăm và làm việc với cơ quan trợ giúp pháp lý (Legal Aid Ontario) và Tòa hình sự. Đoàn đã được ông Jonh McCamus - Giám đốc; ông David Field - Giám đốc điều hành; Carol L.Hartman - Thành viên Ban Giám đốc và Giám đốc quản lý luật sư trực tại Tòa án hình sự đón tiếp, giới thiệu về hệ thống trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Ontario.

Canada là quốc gia liên bang theo chế độ đại nghị gồm có mười tỉnh và ba lãnh thổ. Qua các buổi làm việc, Đoàn đã được nghe đại diện cơ quan trợ giúp pháp lý hai bang, Tòa án cộng đồng ở Vancouver và Tòa án hình sự ở Ontario chia sẻ kinh nghiệm về trợ giúp pháp lý và luật sư trực tại Canada.

Hình ảnh tại buổi làm việc

Hai bang mà Đoàn đến thăm đều đã có Luật Trợ giúp pháp lý, cơ quan trợ giúp pháp lý thành lập theo luật, không thuộc Chính phủ nhưng giữ mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ và thường xuyên thực hiện chế độ báo cáo với Chính phủ. Bên cạnh đội ngũ luật sư công, luật sư tư thực hiện trợ giúp pháp lý còn có người thực hiện trợ giúp pháp lý khác như chuyên gia pháp lý, sinh viên luật... Luật sư công được nhà nước trả lương hàng tháng. Các vụ việc mà cơ quan trợ giúp pháp lý cung cấp cho người được trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào 04 lĩnh vực như hình sự, trẻ em, nhập cư và gia đình. Ở Tòa án của hai bang đều có đội ngũ luật sư công và luật sư tư trực tại Tòa để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc về vấn đề gia đình nghiêm trọng, bảo vệ trẻ em, nhập cư và luật hình sự.

Tại Vancouver, cơ quan trợ giúp pháp lý được thành lập với nhiệm vụ chính như giúp giải quyết vướng mắc trong lĩnh vực pháp luật, thiết lập chính sách trợ giúp pháp lý và cung cấp dịch vụ cho người có thu nhập thấp, tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và tiếp cận công lý. Cơ quan trợ giúp pháp lý nhận 90% kinh phí từ Chính phủ địa phương. Cơ quan trợ giúp pháp lý có Ban Giám đốc điều hành gồm 09 thành viên, trong đó 05 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm giám sát chung hoạt động TGPL và 04 thành viên được bổ nhiệm do Hội đồng pháp luật của bang sau khi tham khảo ý kiến của Đoàn luật sư Canada tại bang BC. Trong thành viên của Ban Giám đốc có 07 luật sư và 01 kiểm toán viên quốc tế. Ban Giám đốc có chức năng định hướng, giám sát chung hoạt động trợ giúp pháp lý. Hiện nay, cơ quan TGPL ở Vancouver có 07 luật sư công đang cung cấp dịch vụ pháp lý và 1.000 luật sư tư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Luật sư tư muốn được thực hiện trợ giúp pháp lý thì họ phải ký hợp đồng với cơ quan trợ giúp pháp lý. Mỗi Tòa án có 02 luật sư trực để tiếp xúc với khách hàng hướng dẫn thủ tục và xử lý khi có tranh chấp.

Tòa án cộng đồng ở Downtown là tòa án không xét xử mà chỉ thỏa thuận nhận tội. Luật sư của cơ quan trợ giúp pháp lý đến trực và làm việc hàng ngày ở Tòa án cộng đồng. Công việc của họ là thông tin về Tòa án, trợ giúp pháp lý và kết nối thông tin giữa khách hàng với luật sư, thực hiện tư vấn pháp luật không liên quan đến án tù và được trả một khoản cố định. Đồng thời, cơ quan trợ giúp pháp lý cũng ký hợp đồng với các luật sư để làm việc theo ca (bán thời gian) để tư vấn liên quan đến án tù, họ trực tiếp gặp người được trợ giúp pháp lý để xem xét nhu cầu trợ giúp của họ và được trả thù lao theo giờ.

Tại Ontario, Chính phủ ban hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 1998. Cơ quan trợ giúp pháp lý được thành lập theo luật, là tổ chức độc lập nhưng được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ bang Ontario. Ban Giám đốc gồm có 11 thành viên, trong đó có Chủ tịch của Ban Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm từ đề xuất của Hiệp hội luật sư và đề xuất của một số thành viên của Hội đồng thẩm phán liên bang với nhiệm kỳ 03 năm; 05 thành viên do Hiệp hội luật sư đề nghị; 05 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.

Văn phòng trợ giúp pháp lý của các địa phương có sự tham gia của luật sư và những người có trình độ pháp lý. Hiện nay, có khoảng 73 Văn phòng trợ giúp pháp lý ở bang, được nhận kinh phí hoạt động chủ yếu từ cơ quan trợ giúp pháp lý ở Ontario. Nguồn kinh phí cho các Văn phòng trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn địa phương, nguồn từ Chính phủ bang và nguồn từ quỹ pháp luật. Hiện nay, có 320 luật sư công trực tại Tòa án trên tổng số 400 luật sư công toàn bang. Luật sư công và luật sư ký hợp đồng thực hiện trực tại Tòa án. Luật sư công làm việc cố định, luật sư ký hợp đồng làm việc theo ngày bảo đảm sự linh hoạt trong hoạt động. Luật sư trực tại Tòa chủ động tìm kiếm khách hàng và thực hiện các hoạt động như tư vấn tại Tòa án và Trại tạm giam, cung cấp thông tin, đại diện cho một số vụ việc không có luật sư. Việc trực tại Tòa án của đội ngũ luật sư công do cơ quan trợ giúp pháp lý ở Ontario phân công, luật sư ký hợp đồng do Trưởng phòng luật sư trực tại Tòa điều phối bảo đảm nguyên tắc duy trì sự ổn định. Việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý được thực hiện trong lĩnh vực hình sự, hôn nhân gia đình, nhóm đối tượng có khó khăn về tài chính, nhóm đối tượng về sức khỏe tâm thần và nhóm đối tượng về cộng đồng.

Tại tòa án hình sự ở bang Ontario có 13 luật sư trực thường xuyên và khoảng 20 - 30 luật sư ký hợp đồng trực theo sự phân công của Trưởng phòng luật sư trực tùy thuộc vào khối lượng công việc. Luật sư công trực tại Tòa chỉ giúp cho các vụ hình sự và làm việc tại một phòng xử án để tiếp xúc với khách hàng.

Hình ảnh Đoàn công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại Canada

Qua thời gian công tác, Đoàn được nghe đại diện các cơ quan, tổ chức về trợ giúp pháp lý của Canada trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm như cơ chế đánh giá chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý, quản lý luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư tư, thanh toán thù lao cho luật sư và đặc biệt là luật sư trực tại Tòa… Việc đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý được đặc biệt quan tâm từ khi luật sư bắt đầu tham gia ký hợp đồng thực hiện TGPL cho đến khi kết thúc vụ việc. Trường hợp luật sư vi phạm dẫn đến chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì sau 01 năm mới được xem xét ký lại. Những thông tin đa dạng về trợ giúp pháp lý ở Canada góp phần trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế luật sư trực và cơ chế đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý trong bối cảnh hiện nay./.

Cục Trợ giúp pháp lý

 

Xem thêm »